Chuyện ở làng Ó: Từ nỗi lo giáp hạt đến cuộc sống đủ đầy

05/04/2025 08:30

Từng ám ảnh bởi nỗi lo giáp hạt, làng Ó nay đã đổi thay. Những ngôi nhà vững chãi mọc lên, vườn cây trĩu quả hứa hẹn một cuộc sống no đủ và tươi sáng hơn.

Nỗi lo ngày giáp hạt

Dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng mỗi khi nhắc lại quá khứ, những ngày đói nghèo, thiếu thốn vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí người dân làng Ó, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Theo các bậc cao niên trong làng, khổ nhất vẫn là những ngày giáp hạt, khi lúa trong bồ đã cạn, gạo trong hũ vơi dần, bữa cơm chẳng đủ đầy mà chỉ có rau rừng, củ mài làm lót dạ. Người lớn gầy rộc vì nhường miếng ăn cho con, trẻ con thì đôi mắt hoe vàng, bụng ỏng vì thiếu chất. Mỗi sáng thức dậy, họ lên rẫy với cái bụng rỗng tuyếch.

Đàn ông lặn lội vào rừng tìm măng, săn thú, còn đàn bà mò cua, bắt cá, hái rau dại để có chút gì bỏ vào nồi. Đêm đến, căn nhà trống hoác, ánh đèn dầu leo lét không đủ xua đi bóng tối, cũng chẳng đủ làm vơi bớt nỗi lo ngày mai. Giáp hạt ở làng Ó đã trở thành một ký ức quen thuộc, những ngày mà chỉ một bữa cơm no cũng là điều xa xỉ.

Chuyện ở làng Ó: Từ nỗi lo giáp hạt đến cuộc sống đủ đầy- Ảnh 1.

Làng Ó nay đã đổi thay.

Cuộc sống hiện nay đã thay đổi nhiều, làng Ó giờ đây khoác lên mình diện mạo mới với những ngôi nhà khang trang và con đường bê tông hóa chạy khắp mọi nẻo. Nổi bật trong làng là ngôi nhà mái thái kiên cố của vợ chồng anh Rơ Lan Hle.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hle nhớ lại, ngày xưa cái đói luôn bám riết không buông. Lúa trong kho hết sạch, nhà nào cũng phải dè sẻn từng lon gạo. Nhiều khi, cả gia đình chỉ có nồi cháo loãng với chút muối. 

Khó khăn nhất là vào những lúc giáp hạt, khi trời chưa kịp mưa mà lúa cũ đã cạn. Mỗi khi đến mùa đó, cả làng đều phải thắt lưng buộc bụng, chỉ mong sao vượt qua được mấy tháng giáp hạt.

Làng Ó vươn mình

Chuyện ở làng Ó: Từ nỗi lo giáp hạt đến cuộc sống đủ đầy- Ảnh 2.

Anh Hle cho biết, hiện anh sở hữu ha cao su, cà phê, điều và 2,5 sào cây ăn quả cùng 2 sào lúa nước. Ngoài ra, tôi còn đầu tư mấy trăm triệu đồng mua máy xay xát, xe máy múc phục vụ bà con trong vùng.

Anh Hle chia sẻ: "Ngày trước, gia đình mình nghèo lắm. Cưới nhau xong, vợ chồng chỉ có thể sống trong ngôi nhà sàn ọp ẹp. Chúng mình thường phải nhịn ăn, làm việc vất vả để kiếm tiền trang trải cuộc sống. 

Với quyết tâm vươn lên, mình học hỏi cách làm ăn từ các hộ người Kinh, phát triển kinh tế gia đình qua việc trồng cà phê, cao su, điều. Tích góp từng đồng, mình mua thêm đất đai và cây giống. Nhờ sự chăm chỉ, kiên trì, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Năm ngoái, gia đình mình đã tích lũy được hơn 300 triệu đồng".

Anh Hle cho biết thêm: “Hiện nay, gia đình tôi sở hữu 3ha cao su, cà phê, điều, 2,5 sào cây ăn quả và 2 sào lúa nước. Ngoài ra, tôi còn đầu tư vài trăm triệu đồng để mua máy xay xát, xe máy múc phục vụ bà con trong vùng. 

Ngôi nhà này tôi xây dựng từ năm 2015 với kinh phí gần 400 triệu đồng. Giờ đây, người dân trong làng đã có cuộc sống ổn định, không còn phải lo lắng về cảnh thiếu ăn trong những ngày giáp hạt như trước nữa".

Cùng chung niềm vui vì cuộc sống đã khấm khá hơn, ông Rơ Lan Chiếu chia sẻ: "Ngày trước, tôi sống từng bữa, chỉ mong qua được mùa giáp hạt. Cơm không đủ no, có khi phải ăn cháo để cầm hơi. Khi hết lúa, tôi phải đi vay mượn, nhưng ai cũng thiếu thốn nên cũng chẳng dễ dàng gì.

Được sự hỗ trợ và hướng dẫn từ chính quyền địa phương, gia đình tôi đã mở rộng diện tích trồng trọt, bổ sung nhiều loại cây trồng, giúp cho mỗi mùa đều có sản phẩm thu hoạch. Cuộc sống gia đình ngày càng khá giả hơn. Mỗi năm, với 8ha đất trồng các loại cây, gia đình tôi tích lũy từ 300 đến 400 triệu đồng".

Nhìn quanh ngôi nhà khang trang và khu vườn xanh tốt, ông Chiếu tự hào chia sẻ: "Giờ thì khác rồi. Nhờ sự chăm chỉ làm ăn, tôi có đất trồng cà phê, nuôi gà, bò. Cái đói không còn đeo bám nữa, con cái cũng được học hành đàng hoàng".

Chuyện ở làng Ó: Từ nỗi lo giáp hạt đến cuộc sống đủ đầy- Ảnh 3.

Theo ông Chiếu, được sự hướng dẫn từ chính quyền địa phương, gia đình tôi trồng thêm nhiều loại nông sản, mùa nào cũng có sản phẩm thu hoạch cuộc sống gia đình dần khấm khá.

Ông Rơ Lan Phong, Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Ó cho biết, làng hiện có 140 hộ, trong đó 136 hộ là người Jrai, 4 hộ là người Kinh. Nếu so với các làng trong xã, Ó là làng có mức thu nhập cao nhất với thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm. Hầu hết các gia đình đều có nhà cửa khang trang, kiên cố.

Trước đây, rất ít người trong làng học cao hơn THPT, nhưng riêng năm 2024, đã có 6 cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Làng hiện còn 5 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo, chủ yếu là người già neo đơn và những gia đình có người bệnh tật.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Tấn, Chủ tịch UBND xã Ia Krái cho biết: "Những năm qua, đời sống của bà con làng Ó ngày càng khởi sắc nhờ vào nguồn thu nhập ổn định từ việc trồng cà phê, cao su, điều và cây ăn quả. Với thu nhập ổn định, bà con đã đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, sạch đẹp, đồng thời cùng nhau đóng góp xây dựng nông thôn mới".

Đổi thay vùng đất từng là "điểm nóng" ma túy - Kỳ cuối: Ươm mầm xanh cho tương laiĐỌC NGAY
Đổi thay vùng đất từng là Đổi thay vùng đất từng là Đổi thay vùng đất từng là "điểm nóng" ma túy - Kỳ 1: “Lá chắn thép” giữ gìn sự bình yênĐỌC NGAY




Bạn đang đọc bài viết "Chuyện ở làng Ó: Từ nỗi lo giáp hạt đến cuộc sống đủ đầy" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).