Chứng khoán APG: Cú sảy chân mang tên Louis Holdings và pha thoát hàng của Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng

24/02/2025 12:30

Dưới thời ông Nguyễn Hồ Hưng làm Chủ tịch, Chứng khoán APG đã có một số bước tiến nhất định, cho đến khi có sự xuất hiện của Louis Holdings thì công ty đã phải đối mặt với nhiều biến động.

CTCP Chứng khoán APG tiền thân là CTCP Chứng khoán An Phát, được thành lập 2007 với số vốn điều lệ ban đầu 135 tỷ đồng. Đến năm 2019, công ty đổi tên thành Chứng khoán APG và duy trì đến hiện tại.

Sau gần 2 thập kỷ hoạt động, trải qua 6 lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của Chứng khoán APG ở mức 2.236 tỷ đồng.

Chứng khoán APG gắn liền với tên tuổi ông Nguyễn Hồ Hưng - người đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị từ năm 2013.

Thăng trầm dưới sự chèo lái của ông Nguyễn Hồ Hưng

Thời điểm trước khi , ông Nguyễn Hồ Hưng làm Chủ tịch HĐQT, doanh thu của công ty chỉ loanh quanh chục tỷ đồng, lợi nhuận cũng liên tục trồi sụt quanh mức này.

Đến khi có sự xuất hiện của ông Hưng, tình hình kinh doanh của Chứng khoán APG đã có nhiều biến chuyển.

Theo đó, năm 2019 lần đầu công ty đạt doanh thu trên trăm tỷ, lợi nhuận cũng cao gấp 3 lên gần 24 tỷ đồng. Thậm chí năm 2021 công ty còn ghi nhận doanh thu gần 379 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 268 tỷ đồng, cao gấp chục lần năm trước và đều là con số kỷ lục.

Chứng khoán APG: Cú sảy chân mang tên Louis Holdings và pha thoát hàng của Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồ Hưng - Chủ tịch HĐQT Chứng khoán APG.

Thế nhưng ngay năm sau là 2022, doanh thu của công ty "bốc hơi" một nửa xuống 184,5 tỷ đồng. Hơn thế, công ty còn báo lỗ 190 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do lỗ các tài sản chính FVTPL ghi nhận 379 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ gần 56 tỷ đồng; doanh thu nghiệp vụ môi giới của APG cũng lao dốc từ 205 tỷ đồng xuống còn 23,7 tỷ đồng.

Cùng trong năm 2022, ông Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch doanh nghiệp làm cổ đông lớn của Chứng khoán APG là Louis Capital (TGG) đã bị bắt vì tội thao túng thị trường chứng khoán.

Ngay sau đó, tình hình kinh doanh cũng như cổ phiếu của Chứng khoán APG đều lao dốc. Trước diễn biến này, Chứng khoán APG khẳng định: "Không còn liên quan đến các hoạt động của nhóm cổ phiếu Louis".

Mối liên hệ giữa Chứng khoán APG - Louis Holdings

Sợi dây giữa hai doanh nghiệp này xuất hiện vào giữa tháng 9/2021, khi Louis Capital đã mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn tại Chứng khoán APG với tỉ lệ nắm giữ 5,06%.

Cùng thời điểm, Chủ tịch Chứng khoán APG được đề cử và bổ nhiệm vào HĐQT Louis Capital nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 6/9/2021.

Tuy nhiên khoảng một tháng sau, ông Hưng đã có đơn từ nhiệm khỏi vị trí mới vừa được bổ nhiệm.

Cũng đến cuối tháng 10/2021, Louis Capital đã bán toàn bộ số cổ phiếu sở hữu tại Chứng khoán APG và không còn là cổ đông lớn.

CTCP Louis Holdings nổi lên bắt đầu từ năm 2021. Từ một công ty gạo, doanh nghiệp này thâu tóm nhiều doanh nghiệp đa ngành, tạo dựng hệ sinh thái "họ Louis".

Chỉ trong một năm, doanh nghiệp của ông Đỗ Thành Nhân đã trở thành cổ đông lớn của 5 đơn vị gồm Louis Capital, Louis Land, Dược Lâm Đồng, Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) và Sametel (SMT).

Dù khẳng định không còn liên quan đến các hoạt động của nhóm cổ phiếu Louis sau khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt, nhưng thực tế mối Chứng khoán APG vẫn xuất hiện tại các công ty liên quan đến Louis Holdings.

Đơn cử như việc Chứng khoán APG liên tiếp giao dịch mua bán tại CTCP Dược Lâm Đồng – nơi Louis Holdings nắm 51,02% vốn và ông Đỗ Thành Nhân nắm 7,24% vốn.

APG trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp dược phẩm này từ tháng 4/2023, khi nâng sở tỉ lệ hữu lên 8,5% vốn. Đến tháng 10 và tháng 11 cùng năm, tỉ lệ sở hữu tiếp tục tăng lên lần lượt 15,5% và 18,9%.

Đến đầu năm 2025, Chứng khoán APG lại muốn bán 1 triệu cổ phiếu của Dược Lâm Đồng, qua đó hạ tỉ lệ sở hữu từ 18,9% còn 11%. Tuy nhiên, kế hoạch này bất thành do điều kiện thị trường không thuận lợi và mức giá không phù hợp.

Về tay nhóm Louis, Dược Lâm Đồng gia tăng vay nợ ngân hàng

Ngoài Dược Lâm Đồng, Chứng khoán APG cũng có mối liên hệ với CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) – nơi Louis Holdings từng sở hữu 51,17% vốn.

Thời điểm còn sở hữu vốn Angimex, Phó Tổng Giám đốc thường trực Louis Holdings lúc bấy giờ là ông Nghiêm Hải Anh đồng thời là Chủ tịch HĐQT Angimex.

Louis Holdings thâu tóm "vua gạo" An Giang hồi giữa năm 2021, sau khi nhận chuyển nhượng phần lớn cổ phần từ tay Nguyễn Kim Group, sau đó đưa hàng loạt nhân sự tham gia điều hành kể từ tháng 7/2021.

Quay trở lại mối liên hệ giữa Chứng khoán APG và Angimex, Chứng khoán APG từng là cổ đông lớn của Angimex với tỉ lệ sở hữu hơn 8% vốn. Tuy nhiên công ty đã thoái sạch vốn vào ngày 13/9/2023.

Trong năm 2023, danh sách HĐQT Angimex có tới 3 người của Chứng khoán APG gồm ông Nguyễn Đoàn Mạnh Hiếu, ông Đỗ Minh Đức - Trưởng phòng dịch vụ Ngân hàng Đầu tư Chứng khoán APG, ông Nguyễn Hữu Phú - Trưởng phòng kinh doanh APG Capital.

Đến hiện tại, ông Nguyễn Hữu Phú đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Angimex, ông Đỗ Minh Đức, ông Nguyễn Đoàn Mạnh Hiếu đang là Thành viên HĐQT Angimex. Song cả 3 người này đều không còn đảm nhiệm chức vụ nào tại Chứng khoán APG.

Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng dần "thoát hàng"

Ở một diễn biến khác, sau thời gian dài liên tục tăng tỉ lệ sở hữu tại Chứng khoán APG, thời gian qua, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồ Hưng đã có động thái thoái vốn tại công ty.

Gần nhất, hồi đầu tháng 10/2024, ông Nguyễn Hồ Hưng đã bán 5 triệu cổ phiếu APG, qua đó hạ tỉ lệ sở hữu từ 5,27% xuống còn 3,03% và rời vị trí cổ đông lớn của công ty.

Vào tháng 2/2023, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán APG cũng bán ra 14 triệu cổ phiếu APG để hạ tỉ lệ sở hữu từ 16,44% xuống 6,87%.

Giữa khoảng thời gian trên, ông Nguyễn Hồ Hưng đã liên tục mua vào bán ra cổ phiếu APG. Hiện lãnh đạo Chứng khoán APG đang sở hữu 6,8 triệu cổ phiếu APG, tương đương tỉ lệ 3,03%.

Chứng khoán APG: Cú sảy chân mang tên Louis Holdings và pha thoát hàng của Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng- Ảnh 2.

Diễn biến thị giá APG.

Trên thị trường chứng khoán, thị giá APG đang có chuỗi giao dịch không mấy tích cực khi liên tiếp giảm điểm.

Từ mức đỉnh quanh vùng 16.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 3/2024, hiện thị giá APG đã giảm gần một nửa uống quanh vùng 8.800 đồng/cổ phiếu.

Nhìn xa hơn, hồi đầu năm 2022 cổ phiếu APG đã chứng kiến những phiên thăng hoa đẩy thị giá lên vùng 21.000 đồng. Tuy nhiên đến cuối năm 2022, khi sự cố liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân xảy ra, thị giá APG đã bị kéo xuống vỏn vẹn 2.000 đồng rồi hồi phục và điều chỉnh đến vùng giá hiện tại.

Bạn đang đọc bài viết "Chứng khoán APG: Cú sảy chân mang tên Louis Holdings và pha thoát hàng của Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).