Chủ động ứng phó hiệu quả trước nguy cơ hạn hán kéo dài

22/04/2024 20:14

Trước tình hình khô hạn có nguy cơ kéo dài, nhiều tỉnh, thành đã chủ động có các biện pháp ứng phó trước mắt và lâu dài, huy động mọi nguồn lực phục vụ trong bối cảnh hạn, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, không để thiếu đói, không để phát sinh dịch bệnh và tập trung quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước, bảo vệ đàn gia súc.

Chú thích ảnh Người dân ở huyện Ninh Hải chủ động bơm nước tích trữ trong hồ phủ bạt để tích nước tưới cho hoa màu mùa hạn. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, tính đến ngày 22/4, tổng dung tích của 23 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện còn 168,72 triệu/417,70 triệu m3, chiếm trên 40% dung tích thiết kế. Một số hồ chứa nước đã kiệt kiệt như hồ Ông Kinh, hồ CK7 và một số hồ có nguy cơ cạn kiệt như hồ Phước Nhơn, Suối Lớn, Bầu Ngứ, Tà Ranh, Bầu Zôn...

Theo dự báo, nếu hạn hán kéo dài, nhiều hồ không còn nước tưới, nhiều diện tích nông nghiệp trong tỉnh sẽ phải dừng sản xuất, nguy cơ thiếu đói sẽ xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là vấn đề nước sinh hoạt của người dân sẽ bị thiếu, dự báo có khoảng 1.484 hộ/5.836 khẩu ở một số địa phương của các huyện Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Nam có khả năng thiếu nước sinh hoạt, cần phải chở nước phục vụ người dân.

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, hiện nay, mặc dù nguồn cung nước của hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) và một số hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, nguồn nước sản xuất vụ Hè Thu năm 2024 vẫn rất khó khăn, diễn biến tình hình thời tiết vẫn rất khó lường, cực đoan, không theo quy luật….

Do đó việc đề ra các giải pháp ứng phó hạn hán là vấn đề cấp bách hiện nay đối với tỉnh, đảm bảo mục tiêu cao nhất là: “Không để người dân thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt; không để đàn gia súc, gia cầm thiếu nước uống và phát sinh dịch bệnh; quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước theo hướng ổn định, bền vững”.

Trên tinh thần đó, hiện các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương trong tỉnh đang tập trung rà soát các đối tượng thuộc diện phải hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, không để hộ dân nào bị thiếu đói. Đồng thời rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống cấp nước sinh hoạt phục vụ người dân, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn nước đúng theo quy định.

Chú thích ảnh Người dân ở huyện Ninh Hải áp dụng mô hình tưới phun mưa cho cây trồng để tiết kiệm nước tưới mùa hạn. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận, nếu nắng hạn kéo dài, các hệ thống cấp nước có nguy cơ thiếu nguồn nước; mực nước và dung tích một số hồ chứa xuống thấp, nước không thể chảy vào kênh để bơm nước sinh hoạt cho người dân. Khi đó, Trung tâm sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện các phương án cấp nước sinh hoạt tại các hệ thống cấp nước nông thôn trên địa bàn các huyện.

Đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ Hè Thu tới đây, tỉnh Ninh Thuận cũng đề 2 phương án cụ thể. Phương án 1: trường hợp nếu trong tháng 5 tới đây trên địa bàn tỉnh không mưa, các hồ không có lượng nước bổ sung; hồ Đơn Dương dung tích dưới 100 triệu m3 thì sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của 20/23 hồ chứa (trừ hồ Tà Ranh,Bầu Zôn, Ông Kinh), toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do huyện quản lý, với diện tích trên 23.460 ha (Lúa trên 13.460 ha; rau màu 10.000 ha). Như vậy, diện tích phải dừng sản xuất so với vụ Hè Thu năm 2023 là trên 7.589 ha.

Phương án 2: Trường hợp trong tháng 5 tới nếu trên địa bàn tỉnh có mưa sẽ bổ sung sản xuất ở 10 hồ chứa, với diện tích sản trên 7.274 ha. Nếu dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt trên 50% dung tích thiết kế, sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của23 hồ chứa, toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do huyện quản lý, với tổng diện tích trên 29.000 ha. Dẫu vậy, so với vụ Hè Thu năm 2023, diện tích phải dừng sản xuất vụ Hè Thu năm 2024 vẫn còn tới 1.785 ha.

Để đảm bảo sản xuất hiệu quả trong bối cảnh hạn hán có nguy cơ kéo dài, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cũng đang tăng cường quản lý nguồn nước, thường xuyên phối hợp với Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thống nhất kế hoạch cấp nước từ nay đến cuối năm 2024 để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hiệu quả, phù hợp theo từng thời điểm.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ cùng với các địa phương xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vụ Hè Thu tới, với diện tích gần 600 ha; kiên quyết không để xảy ra tình trạng gieo cấy ngoài kế hoạch, không thực hiện theo đúng khuyến cáo sản xuất của ngành nông nghiệp.

Chú thích ảnh Xây dựng hệ thống dẫn nước gần 1 km tưới tiêu cho hàng trăm ha lúa của Hợp tác xã Thống Nhất, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Đối với tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn thiếu nước nhằm kịp thời cung cấp đủ nguồn nước cho hệ thống kênh rạch nội đồng, đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong mùa khô năm 2024.

Theo đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật, xây dựng phương án, triển khai kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh phù hợp với các kịch bản nguồn nước; vận hành hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi để lấy nước, trữ nước đáp ứng nhu cầu nước tưới tối thiểu cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các kênh rạch đã được giao nhiệm vụ chủ đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, để kịp thời cung cấp đủ nguồn nước cho hệ thống kênh rạch nội đồng, đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong mùa khô năm 2024.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo UBND huyện, thành phố chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Công ty cổ phần Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp và đơn vị có liên quan rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt, nước ngọt phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Qua đó, chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là các hộ dân sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, cuối nguồn cấp nước, khu dân cư trên các cù lao, kiên quyết không để người dân không có nước sinh hoạt hoặc sử dụng nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng; đồng thời, rà soát các nguồn nước ngọt dự trữ trên địa bàn tỉnh để có phương án cân đối, điều hòa nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước thực tế tại từng địa bàn…

Để đảm bảo đủ nguồn nước cho hơn 180.000 ha lúa Hè Thu, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo đến ngành nông nghiệp và các ngành liên quan bằng các biện pháp chủ động đủ nước tưới. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu; có 8.481 hệ thống tưới … qua đó góp phần giải quyết tưới tiêu cho lúa đạt gần 100% diện tích sản xuất được bơm tưới chủ động bằng Trạm bơm điện hoặc máy dầu.

Theo kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 do tác động của hiện tượng El Nino, UBND chỉ đạo các địa phương, đơn vị, huy động mọi nguồn lực để chủ động điều tiết, trữ nước thực hiện tốt phòng chống hạn hán, thiếu nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế trên địa bàn tỉnh; đồng thời, bố trí lịch thời vụ phù hợp với dự báo tình hình nguồn nước; khuyến cáo người dân tính toán sản xuất phù hợp, có phương án dự trữ nước tưới ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới để tránh bị thiệt hại.

Bạn đang đọc bài viết "Chủ động ứng phó hiệu quả trước nguy cơ hạn hán kéo dài" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).