Chi tiết về vụ việc này đang được hé lộ chậm vì một lệnh cấm tiết lộ thông tin đã được ban hành.
Tuy nhiên phán quyết của một tòa sơ thẩm đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm tiết lộ thông tin này và đã mang lại cái nhìn đầu tiên về vụ việc mà tòa án Israel nhận định đã gây rủi ro cho các nguồn an ninh và có thể đã gây hại cho nỗ lực giải phóng con tin của Israel.
Một phán quyết của tòa án sơ thẩm Rishon Le-Zion cho biết "các thông tin tình báo bí mật và nhạy cảm đã bị trích xuất từ hệ thống của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) một cách phi pháp", và có thể đã gây ra "tổn hại nghiêm trọng cho nền an ninh quốc gia và gây rủi ro cho các nguồn thông tin".
Trong đó, tòa án cho biết vụ rò rỉ này có thể đã ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực giải phóng con tin.
Ông Netanyahu đã bác bỏ cáo buộc cho rằng nhân viên dưới quyền ông có hành vi sai trái, và trong một phát biểu đưa ra vào ngày thứ Bảy đã cho biết, ông chỉ được biết về vụ việc rò rỉ tài liệu thông qua các báo cáo từ các cơ quan truyền thông.
Bốn nghi phạm – gồm một phát ngôn viên dưới quyền ông Netanyahu và 3 nhân viên của các cơ quan an ninh – đã không thể được liên lạc để yêu cầu bình luận.
Tờ báo Haaretz của Israel, một trong những cơ quan truyền thông yêu cầu tòa án dỡ bỏ lệnh cấm tiết lộ thông tin, đã cho biết các chi tiết về các tài liệu rò rỉ được công bố bởi tờ German Bild vào ngày 6/9.
Bài viết của German Bild được đánh dấu độc quyền, được cho là đã liệt kê về chiến lược thương lượng của Hamas, tổ chức dân quân Hồi Giáo Palestine chiến đấu với Israel tại Gaza trong hơn một năm qua.
Ảnh: REUTERS/Ronen Zvulun/Ảnh tài liệu.
Trong cùng thời điểm đó, Mỹ, Qatar và Ai Cập là trung gian thương lượng cho các đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, bao gồm một thỏa thuận giải phóng con tin tại Gaza.
Tuy nhiên, các đàm phán này đã sụp đổ sau khi Hamas và Israel đổ lỗi lẫn nhau về sự bế tắc trong hoạt động thương lượng. Bài viết của German Bild nhìn chung khớp với những cáo buộc của ông Netanyahu về hành vi dẫn tới bế tắc từ phía Hamas.
Bài viết đó đã được đăng tải vài ngày sau khi 6 con tin Israel được phát hiện đã bị hành quyết trước đó trong một đường hầm của Hamas tại miền Nam Gaza. Vụ sát hại này đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình hàng loạt tại Israel và gây phẫn nộ cho gia đình các con tin, và các gia đình này cáo buộc ông Netanyahu cố tình phá hoại cuộc đàm phán ngừng bắn vì mục tiêu chính trị.
Trong ngày thứ Bảy, một số gia đình đã tham gia nỗ lực yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm tiết lộ thông tin từ phía các nhà báo người Israel.
Luật sư của các gia đình, Dana Pugach, cho biết: "Những người này đã phải trải qua những thăng trầm đầy những tin đồn và thông tin chỉ mang một nửa sự thật".
"Trong suốt một năm qua, họ đã chờ đợi nhận được thông tin tình báo hay bất kỳ thông tin nào về những thương lượng giải phóng con tin. Nếu những thông tin đó đã bị trích xuất trái phép từ các nguồn tin quân sự, chúng tôi tin rằng các gia đình có quyền được biết về các thông tin liên quan".
Tờ Haaretz cho biết, trong một phiên tòa vào ngày Chủ Nhật về cuộc điều tra cơ quan an ninh nội địa Shin Bet của Israel, lực lượng cảnh sát và quân đội Israel, tòa án đã ra lệnh trả tự do cho một nghi phạm và tiếp tục tạm giữ những người còn lại.
Khi được hỏi về cuộc điều tra, tờ German Bild khẳng định không bình luận về nguồn tin của mình. Tờ báo này cho biết: "Tính chính xác về nguồn gốc của tài liệu mà chúng tôi nhận được đã được xác nhận bởi IDF ngay sau khi công bố".
Nguyễn Quang Minh (Theo Reuters)