"Chân dung" Traphaco - doanh nghiệp đứng sau loạt sản phẩm thuốc bổ "quốc dân"

09/08/2024 12:11

Traphaco là doanh nghiệp sản xuất thuốc bổ gan Boganic - được cho là chưa có đối thủ trên thị trường. Thế nhưng công ty cũng từng gặp rắc rối từ nguyên liệu tới sản phẩm gắn liền với tên tuổi của mình.

Dù chưa từng sử dụng, nhưng người tiêu dùng ít nhiều cũng nghe qua những cái tên quen thuộc như thuốc bổ gan Boganic, hoạt huyết dưỡng não, thuốc bổ não Cebraton, Tottri, thuốc ho Methorphan, thuốc nhỏ mắt Natri Clorid và chùm nước súc miệng T-B. Doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm quen thuộc ấy chính là Công ty Cổ phần Traphaco.

Xuất phát điểm của Traphaco là Tổ sản xuất thuộc Ty Y tế Đường sắt (trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải), được thành lập từ tháng 11/1972. Nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất huyết thanh, dịch truyền, nước cất phục vụ cho Bệnh viện ngành Đường sắt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

"Chân dung" Traphaco - doanh nghiệp đứng sau loạt sản phẩm thuốc bổ "quốc dân"- Ảnh 1.

Các sản phẩm quen thuộc của Traphaco.

Đến tháng 6/1993 Xí nghiệp Dược phẩm đường sắt ra đời với tên giao dịch Raphaco, có tư cách pháp nhân riêng, vốn pháp nhân 150 triệu đồng. Một năm sau đó, Xí nghiệp được chuyển đổi thành Công ty Dược và vật tư y tế Bộ Giao thông vận tải với tên giao dịch Traphaco.

Tháng 1/2000 quá trình cổ phần hóa hoàn tất, doanh nghiệp hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với 45% vốn Nhà nước, tháng 7/2001 công ty đổi tên thành CTCP Traphaco.

Traphaco là đơn vị tiên phong trong cuộc cách mạng thuốc đông dược và hiện đang là doanh nghiệp dẫn đầu về mảng đông dược tại Việt Nam. Theo báo cáo thường niên hàng năm, mảng đông dược chiếm khoảng 55 - 60% cơ cấu doanh thu của Traphaco.

Vui - buồn với thuốc bổ gan Boganic

Hiện doanh nghiệp có trên 230 sản phẩm, trong đó nhóm top 10 có tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng chính tiêu biểu là Boganic và hoạt huyết dưỡng não - được cho là chưa có đối thủ trên thị trường.

Theo giới thiệu của Traphaco, nguồn nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm Boganic gồm cao đặc actiso, cao đặc rau đắng đất và cao đặc bìm bìm biếc. Thế nhưng, Traphaco cũng từng gặp rắc rối từ nguyên liệu với sản phẩm gắn liền với tên tuổi của mình.

Vào ngày 23/4/2014, Đội quản lý thị trường số 14 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) đã tạm thu trên 52.000 hộp thuốc Boganic do có dấu hiệu vi phạm ghi dược liệu trên nhãn hàng khác với thực tế.

Kiểm tra tại kho chứa thành phẩm, lực lượng chức năng phát hiện cùng sản phẩm Boganic nhưng có hai nhãn hàng ghi thành phần không giống nhau. Một nhãn hàng có ghi cao actiso, cao biển súc, cao bìm bìm và tá dược. Một nhãn hàng khác ghi các thành phần gần tương tự như trên nhưng thay cao biển súc bằng rau đắng đất.

"Chân dung" Traphaco - doanh nghiệp đứng sau loạt sản phẩm thuốc bổ "quốc dân"- Ảnh 2.

Thuốc bổ gan Boganic.

Theo khai nhận của công ty, mặc dù thành phần thuốc ghi khác nhau nhưng thực tế sản phẩm này cùng một nhãn hàng. Khi thu mua nguyên liệu sản xuất, người dân gọi rau đắng đất là rau biển súc nên công ty ghi theo cách gọi của người dân.

Công ty cũng khẳng định tất cả thành phẩm sản xuất từ năm 2013 đều ghi thành phần có rau biển súc nhưng từ ngày 2/1/2014 đã ghi lại thành phần là rau đắng đất. Tuy vậy, lực lượng quản lý thị trường phát hiện tại lô sản phẩm 320 sản xuất ngày 3/1/2014 vẫn ghi thành phần rau biển súc.

Mạnh tay chi trả quảng cáo

Về bức tranh tài chính, trong 6 năm từ 2005 đến 2010, doanh thu Traphaco tăng gấp 3,3 lần từ 216 tỷ đồng lên gần 860 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng tăng gấp 3 lần lên 66 tỷ đồng.

Năm 2011, công ty đánh dấu doanh thu chạm mốc nghìn tỷ với 1.063 tỷ đồng, ngay năm sau là 2012 công ty cũng chạm mốc lợi nhuận trăm tỷ với hơn 128 tỷ đồng. Những năm sau đó, doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng bình quân 15%/năm.

Nổi bật là năm 2022 công ty ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục với doanh thu gần 2.399 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 293 tỷ đồng, đều tăng 11% so với cùng kỳ. Cùng trong năm này, Traphaco đã mạnh tay chi tới 174 tỷ đồng cho chi phí quảng cáo, cao hơn 27% so với cùng kỳ và cũng là mức chi cao nhất từ trước tới nay.

Sang năm 2023, doanh thu của công ty giảm 4% xuống 2.297 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 3% xuống 285 tỷ đồng. Đồng thời, cả hai chỉ tiêu này đều không đạt kế hoạch đề ra trước đó, khép lại năm 2023 Traphaco hoàn thành 90% kế hoạch doanh thu và 87% mục tiêu lợi nhuận.

Lý giải nguyên nhân, đại diện công ty cho biết, tỉ trọng doanh thu kênh nhà thuốc (OTC) chiếm trên 90% doanh thu công ty, trong khi tỉ lệ hoàn thành kế hoạch của kênh OTC thấp hơn kế hoạch 8%. Tuy nhiên, doanh thu kênh bệnh viện (ETC) tăng 24% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch 6% công ty đã có chuyển mình phù hợp và kịp thời khi tập trung phát triển phân khúc có tỉ trọng lớn (2/3 thị trường dược) và mức tăng trưởng cao.

Chi hơn 86 tỷ đồng cho quảng cáo, Traphaco vẫn báo lãi đi lùi

Trong nửa đầu năm 2024, Traphaco ghi nhận 1.168 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong kỳ giá vốn cũng tăng 14% lên 548 tỷ đồng cùng chi phí quảng cáo tăng 4% lên hơn 86 tỷ đồng, chi phí nguyên vật liệu tăng 40% lên 380 tỷ đồng.

Kết quả, công ty báo lãi sau thuế giảm 16% xuống 132 tỷ đồng.

Như vậy, bình quân mỗi ngày trong nửa đầu năm 2024 Traphaco thu về gần 665 triệu đồng tiền lãi. Trong khi đó, cùng kỳ công ty chỉ chi 84,6 tỷ đồng cho quảng cáo mà thu về bình quân 872 tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày.

Từ năm 2014-2020, trung bình mỗi năm Traphaco chi khoảng 80 tỷ đồng cho chi phí quảng cáo, riêng năm 2016 công ty bỏ ra tới 103 tỷ đồng cho mảng này. Giai đoạn từ 2021 đến nay, Traphaco càng mạnh tay chi trả cho việc quảng cáo, nếu như ở năm 2021 công ty chi 102 tỷ đồng, thì sang năm 2023 Traphaco chi phí cho mảng này đã lên đến gần 170 tỷ đồng.

Đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Traphaco ở mức gần 1.994 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Biến động chủ yếu ở tiền và các khoản tương đương tiền giảm 25% xuống còn 569 tỷ đồng.

Khoản phải thu ngắn hạn tăng 20% lên 271 tỷ đồng, trong có CTCP Đầu tư Nam Dương ghi nhận hơn 10 tỷ đồng, Công ty TNHH Life Care Việt Nam hơn 7 tỷ đồng, còng lại là các khách hàng khác.

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp ghi nhận hơn 472 tỷ đồng, giảm 26% so với đầu năm và toàn bộ là nợ ngắn hạn. Chiếm chủ yếu là khoản phải trả cho người bán ngắn hạn, phải trả người lao động, chi phí phải trả ngắn hạn.

Thời điểm cuối quý II/2024, vay nợ thuê tài chính của Traphaco giảm 55% xuống còn 74,6 tỷ đồng. Trong đó, Traphaco vay Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam gần 43,9 tỷ đồng trong 3 tháng với lãi suất 3%; vay Agribank 30,7 tỷ đồng trong 3 tháng với lãi suất 2,8%.

Bạn đang đọc bài viết ""Chân dung" Traphaco - doanh nghiệp đứng sau loạt sản phẩm thuốc bổ "quốc dân"" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).