Cần tạo sự thống nhất giữa Luật Di sản (sửa đổi) với luật khác

24/10/2024 00:02

Chiều 23/10, bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, cần tạo sự thống nhất giữa dự thảo Luật Di sản (sửa đổi) với các luật Luật Đất đai, Luật Xây dựng hay Luật Đầu tư công.

Video Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa-Thiên Huế:

Một điểm mới trong dự thảo luật lần này là có quy định về cải tạo, sửa chữa, xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ I và II, nhất là với khu vực II. Thực tế, các hoạt động kinh tế xã hội trong khu vực này không dễ, do sau khi khoanh vùng khu vực bảo vệ II di tích trên bản đồ địa chính theo Luật Di sản văn hóa, bắt buộc trong quy hoạch sử dụng đất ghi chức năng sử dụng là đất di tích, nên khi triển khai, quy hoạch chi tiết xây dựng cũng sẽ thể hiện là đất di tích. Vì thế, các hoạt động sửa chữa, cải tạo, xây dựng, sửa chữa nhà cửa trở sẽ khó khăn, chưa kể đến việc xác lập các quyền thừa kế, chuyển nhượng, sở hữu, triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội...

Để khắc phục triệt để tình trạng trên, cần tạo sự thống nhất giữa Luật Di sản văn hóa với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, thể hiện rõ quy định về chức năng sử dụng, khoanh vùng bảo vệ đối với khu vực bảo vệ II.

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang quản lý nhiều di tích, trong đó riêng quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đã gồm 13 điểm độc lập. Việc luân phiên trưng bày hiện vật tại các điểm di tích, nhằm phát huy giá trị là hoạt động thường xuyên. 

Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định rõ ràng hơn đối với việc di dời, thay đổi hiện vật đối với từng di tích độc lập và với cả quần thể di tích.  

Video Đại biểu Trình Lam Sinh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh An Giang chia sẻ:

Tại Khoản 5, Điều 22 của dự thảo Luật Di sản (sửa đổi) cần cân nhắc cụm từ “di tích hỗn hợp”, bởi vì các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, đặc biệt là những công trình kiến trúc lâu đời như chùa hoặc các di tích có giá trị lịch sử hàng trăm năm, sử dụng từ “hỗn hợp” là không phù hợp. Có thể điều chỉnh cụm từ “di tích hỗn hợp” thành “di sản lịch sử, văn hóa” hoặc điều chỉnh thành cụm từ khác cho phù hợp, nhằm phản ánh đúng giá trị của di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo.

Tại Khoản 1, Điều 35 dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quy định đúng nhưng chưa đủ. Theo Điều 24, 27 của Luật Đầu tư công về trình tự, thủ tục để lập dự án, ngoài việc phù hợp với quy hoạch và đảm bảo kinh phí đầu tư, còn phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo nhóm A, B, C thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh. Do đó, đề nghị cụ thể hóa theo quy định của Luật Đầu tư công và văn bản pháp luật có liên quan. Đồng thời, giao cho Chính phủ quy định chi tiết, để đảm bảo tính thống nhất và nâng cao hiệu quả khi luật được ban hành.

Tại Khoản 4, Điều 35 cần xem lại thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Bởi theo quy định tại Điều 17, Luật Đầu tư công: “HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý; HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương…”. Do đó, cần rà soát nhằm đảm bảo đúng thẩm quyền, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra nhanh chóng ban hành mới các quy định, hướng dẫn ngay sau khi luật được thông qua nhằm giúp hoạt động quản lý và chuyên môn được kịp thời, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa trở thành nền tảng phát triển kinh tế, phát triển con người và xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới.

Bạn đang đọc bài viết "Cần tạo sự thống nhất giữa Luật Di sản (sửa đổi) với luật khác" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).