Cần quy định đủ mạnh để phòng ngừa, răn đe, nâng cao nhận thức về phòng cháy, chữa cháy

27/06/2024 21:00

(Chinhphu.vn) – Đa số đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về phòng cháy, chữa cháy.

Họp phiên toàn thể tại Hội trường vào chiều 27/6, Quốc hội Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Các đại biểu đã tập trung phân tích, đóng góp nhiều ý kiến đối với các nội dung lớn của dự án luật liên quan đến sự cần thiết, tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật; sự phù hợp của các quy định tại dự thảo Luật với pháp luật chuyên ngành, việc bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; nguồn tài chính và bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…

Công tác phòng cháy phải được đặc biệt quan tâm

Đại đa số các ý kiến phát biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về phòng cháy, chữa cháy; luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về cứu nạn, cứu hộ và thực hiện xã hội hóa trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, khắc phục những hạn chế bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian qua; đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. 

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng cần có những quy định đủ mạnh để phòng ngừa, răn đe, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Cơ bản đồng tình với phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 của luật, tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị Cơ quan soạn thảo cần bổ sung nội dung: "Quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ".  

Cụ thể như sau: Luật này quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng, bố trí lực lượng, phương tiện, nhiệm vụ, điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Bên cạnh đó, về trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến (Điều 7), tại khoản 4 quy định: Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cần làm rõ cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ?

Cũng về trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định tại Điều 7, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Cùng với đó, về trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 38 dự thảo Luật, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể cơ quan, đơn vị hoặc người có thẩm quyền tiếp nhận thông tin báo sự cố, ghi nhận tin báo trực tiếp là ai?

Nhấn mạnh, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm quản lý của nhà nước và cơ quan chuyên trách, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu những nội dung nào đã rõ, đã chính thì quy định trực tiếp vào luật; hạn chế giao Chính phủ và Bộ Công an hướng dẫn quy định chi tiết để đảm bảo khách quan, rõ ràng.

Về chính sách của nhà nước nước tại Điều 4, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cần cụ thể, rõ ràng hơn trên từng lĩnh vực; quy định như dự thảo còn chung chung, khó khả thi. Chính sách ban hành cho đối tương nào thì phải có địa chỉ trên từng lĩnh vực có liên quan.

Liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) cho rằng, giữa nhiệm vụ phòng cháy và nhiệm vụ chữa cháy thì nhiệm vụ phòng cháy có vai trò cực kỳ quan trọng. Thực tế cho thấy các vụ cháy nổ thường để lại hậu quả rất lớn về người, tài sản và môi trường mà nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. 

Phòng cháy tốt sẽ hạn chế tối đa các vụ cháy, hoặc chí ít cũng giảm đáng kể các hậu quả và thiệt hại, thực hiện nhiệm vụ chữa cháy đỡ vất vả hơn. Do vậy, công tác phòng cháy phải được đặc biệt quan tâm. 

Từ lập luận như trên, tán thành với các biện pháp trong phòng cháy nêu tại Điều 12 bao gồm việc thực hiện và duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn chữa cháy, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy, quán triệt chặt chẽ về sử dụng an toàn các chất, nguồn có nguy cơ cháy nổ, đại biểu Vũ Thị Liên Hương cho rằng, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy có vai trò rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kĩ năng ngăn chặn sự cố cháy xảy ra; đề nghị cần chế định đầy đủ việc trang bị kiến thức, kĩ năng về phòng cháy, chữa cháy cho người dân.

Theo đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum), với nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy nổ, sự cố tai nạn và thiệt hại do cháy nổ gây ra, ngoài việc quy định đầy đủ, chặt chẽ về vấn đề thẩm tra, thẩm định, thiết kế, nghiệm thu, kiểm tra, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, cần bổ sung vào dự án luật các chính sách cụ thể nhằm ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nước, kết hợp với việc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài để phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Trong đó, trước hết là quan tâm đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời cần phải có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại hiện có trên thế giới nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc cứu người bị nạn.

Làm rõ sự giao thoa về phạm vi điều chỉnh của Luật với một số luật khác

Cơ bản thống nhất với hồ sơ trình dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, làm rõ sự giao thoa về phạm vi điều chỉnh của Luật này với một số luật khác có liên quan.  

"Ví dụ như cùng giải thích từ ngữ về "sự cố" tại Điều 3, khoản 4 dự thảo Luật quy định, sự cố tai nạn là sự việc do khách quan hoặc chủ quan gây ra thiệt hại hoặc đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong khi đó tại khoản 2 Điều 2 của Luật Phòng thủ dân sự giải thích, sự cố là tình huống bất thường do thiên tai, dịch bệnh, con người, hậu quả chiến tranh gây ra hoặc đe dọa, gây ra thiệt hại về người, tài sản và môi trường", đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu dẫn chứng và cho biết thêm, tại thảo luận Tổ có nhiều đại biểu Quốc hội góp ý về nội dung này, đồng thời trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng có đề cập đến nội dung này, từ đó đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ.

Liên quan đến việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Điều 35 và Điều 36, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng đây là nội dung liên quan đến quyền tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân nhưng quy định trong dự thảo Luật còn chung chung. 

Do đó, để có cơ sở triển khai quy định này và tránh phát sinh vướng mắc trong thực tiễn, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung quy định về cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm việc bồi thường là cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hay là UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn hay là cơ quan chuyên môn nào khác? 

Đồng thời bổ sung quy định về quy trình, thủ tục thực hiện việc bồi thường; bổ sung quy định về nguyên tắc và phương án, xác định giá trị đối với các phương tiện giá trị bị tổn hao, nhà và công trình bị phá dỡ… và bổ sung quy định về nguồn kinh phí thực hiện việc bồi thường.

Lấy phòng là chính

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên thảo luận tại Hội trường hôm nay đã có 17 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu. Không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, trí tuệ khách quan, ngắn gọn và có nhiều thông tin đa chiều. Các ý kiến đều có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, sâu sắc và toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội đối với dự thảo luật.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật; Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã khẩn trương xây dựng Báo cáo Tổng hợp đầy đủ các ý kiến thảo luận tại Tổ và báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật cần làm rõ về một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu như: Rà soát, bổ sung việc giải thích từ ngữ, phạm vi điều chỉnh để sự phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật; bổ sung đánh giá tác động đối với các chính sách và các quy định cụ thể.

Đồng thời tiếp tục rà soát, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về đẩy mạnh xã hội hóa, coi phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là công việc của toàn dân; chủ động phòng ngừa, xử lý với phương châm 4 tại chỗ, lấy phòng là chính trong công tác phòng cháy, chữa cháy tăng cường giáo dục ý thức, trang bị kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn cho người dân cũng như công tác phân cấp, phân quyền trong phòng cháy, chữa cháy...

Hải Liên


Bạn đang đọc bài viết "Cần quy định đủ mạnh để phòng ngừa, răn đe, nâng cao nhận thức về phòng cháy, chữa cháy" tại chuyên mục Tin tức - Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).