Bộ trưởng TT&TT hứa phủ sóng 637 thôn "có điện nhưng không có sóng"

12/11/2024 13:30

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết sẽ bằng cách nhanh nhất, yêu cầu tháng 6/2025 phủ sóng tất cả những vùng không có sóng. Đó là lời hứa, còn mục tiêu đặt ra là tháng 3/2025.

Sáng 12/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn với lĩnh vực thứ 3 là thông tin và truyền thông. Có 94 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Nhận trách nhiệm vì chậm ban hành Nghị định

Nêu vấn đề với Bộ trưởng, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) nhắc đến phương châm của Bộ Thông tin và Truyền thông là "điện tới đâu viễn thông tới đó", nhưng trong 761 thôn chưa có sóng di động có tới hơn 637 thôn có điện nhưng không có sóng.

Nữ đại biểu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng và bà muốn biết "đến bao giờ những thôn này mới có sóng để đời sống người dân bớt khó khăn?".

Bộ trưởng TT&TT hứa phủ sóng 637 thôn "có điện nhưng không có sóng"- Ảnh 1.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, đoàn Bắc Kạn (Ảnh: Media Quốc hội).

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết với những trạm không có điện mà sắp tới không triển khai nhanh được, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có giải pháp khác.

Với những trạm không thuộc trách nhiệm của viễn thông công ích mà thuộc trách nhiệm của nhà mạng, Bộ sẽ đôn đốc các nhà mạng phủ sóng ở những vùng này, chậm thì đầu quý I/2025, nhưng mục tiêu là triển khai trong năm 2024.

Đối với các trạm thuộc trách nhiệm của Quỹ viễn thông công ích, phải thực hiện theo luật mới, Nghị định mới. "Việc chậm Nghị định là thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng và tôi nhận trách nhiệm này", ông Hùng nói và cho biết, nguyên nhân của vấn đề này do trong quá trình xây dựng, các Bộ còn có ý kiến khác nhau.

Bộ trưởng TT&TT hứa phủ sóng 637 thôn "có điện nhưng không có sóng"- Ảnh 2.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh: Media Quốc hội).

Bộ trưởng cam kết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ bằng cách nhanh nhất, yêu cầu tháng 6/2025 phủ sóng tất cả những vùng không có sóng. Đó là lời hứa, còn mục tiêu đặt ra là tháng 3/2025.

"Bộ rất kiên quyết, vì không có sóng thì ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Mình phê bình nhiều thế thôi chứ nhìn con số cũng kinh đấy, hơn 99,8% dân số Việt Nam đã được phủ sóng 4G", ông Hùng cho biết con số này ở các nước phát triển là 99,4%.

Lời cam kết về các vùng "lõm sóng"

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) nêu vấn đề phủ sóng di động tại vùng sâu, vùng xa đã được phản ánh qua nhiều kỳ họp. Tuy nhiên đến nay vẫn còn 721 thôn chưa có băng thông di động, trong đó có 124 thôn chưa có điện.

Việc phủ sóng các thôn đã có điện cần có sự hỗ trợ của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Để sử dụng được Quỹ này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 11. Như vậy, sau một năm Quốc hội thông qua Luật Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa ban hành được Nghị định hướng dẫn.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nguyên nhân của sự chậm trễ này cũng như phương án phân bổ nguồn quỹ này như thế nào?

Bộ trưởng TT&TT hứa phủ sóng 637 thôn "có điện nhưng không có sóng"- Ảnh 3.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, đoàn Lạng Sơn (Ảnh: Media Quốc hội).

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, khi có Covid-19 mới, phải làm việc và học tập online phát hiện có nhiều vùng "lõm sóng".

"Có nhiều nguyên nhân nhưng tôi nhận trách nhiệm về sự chậm trễ này. Bộ đang cố gắng hết sức để trong năm nay sẽ hoàn thiện được nghị định này. Nghị định này thông thoáng hơn rất nhiều để hỗ trợ hạ tầng phủ sóng. Khi nghị định ra đời, việc phủ sóng các vùng "lõm sóng" sẽ rất nhanh", ông Hùng cam kết.

Trước giờ tắt sóng còn hơn 700.000 thuê bao 2G

Đối với những trạm chưa có điện, ông Hùng cho hay đã làm việc với Bộ Công Thương nhưng có thể cũng không làm nhanh được.

Bộ có giải pháp mới là sử dụng vệ tinh. Bộ đang chỉ đạo các nhà mạng đưa dịch vụ viễn thông tầm thấp về Việt Nam, đến những nơi không phủ sóng bằng di động mặt đất.

Bạn đang đọc bài viết "Bộ trưởng TT&TT hứa phủ sóng 637 thôn "có điện nhưng không có sóng"" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).