Bình Dương: Hơn 900 ca bệnh, 1 ca trẻ tử vong do mắc tay chân miệng

28/06/2023 20:01

Tỉnh Bình Dương ghi nhận hơn 900 ca bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 trẻ tử vong.

Mới đây, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương (CDC Bình Dương) cho biết, trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 938 ca mắc tay chân miệng (giảm 21% so với cùng kỳ 2022).

Tuy nhiên, trong 4 tuần gần đây (từ 19/5/2023 đến 15/6/2023) đã ghi nhận 548 ca mắc, trong đó có 33 ca bệnh nặng và có 1 trường hợp tử vong là trẻ nhỏ.

Theo CDC Bình Dương, thì số ca mắc bệnh tăng gấp 4 lần so với 4 tuần trước đó. Từ đầu năm, trung tâm này đã gửi 3 mẫu bệnh phẩm về Viện Pasteur Tp.HCM yêu cầu xét nghiệm.

Kết quả từ Viện Pasteur cho thấy, có 1 kết quả dương tính EV71; 2 kết quả âm tính.

Sự kiện - Bình Dương: Hơn 900 ca bệnh, 1 ca trẻ tử vong do mắc tay chân miệng

CDC Bình Dương khuyến cáo người dân cần thận trọng với bệnh tay chân miệng. (Ảnh CDC Bình Dương).

Bác sĩ CKII Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết: "Hiện nay, dịch tay chân miệng đang xuất hiện ở nhiều nơi, trong đó tỉnh Bình Dương ghi nhận số ca nhiễm chủ yếu là trẻ nhỏ.

Sở Y tế đã có thông báo chỉ đạo đến các cơ sở y tế trực thuộc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn phòng tránh và điều trị cho các trường hợp nhiễm bệnh.

Người nhà cũng cần theo dõi con, em mình khi có những dấu hiệu bất thường như ho, sốt, chân tay nổi những mụn nước. Kịp thời đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để thăm khám và có những hướng dẫn điều trị của y bác sĩ".

Bộ Y tế khuyến cáo người dân hãy chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng cho trẻ:

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Bạn đang đọc bài viết "Bình Dương: Hơn 900 ca bệnh, 1 ca trẻ tử vong do mắc tay chân miệng" tại chuyên mục Tin tức - Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).