Bình Định: “Hồi sinh” vùng dược liệu ở An Lão

21/08/2024 08:30

Nhiều cây dược liệu quý như chè dây, hà thủ ô, ba kích, đương quy, đẳng sâm… một thời mọc như cây dại, bị cạn kiệt dần nay đang được địa phương khôi phục, đưa vào sản xuất chuyên canh.

Bảo tồn dược liệu bản địa

Vừa về nhà, ông Đinh Văn Trác, một hộ dân ở thôn 3, xã An Toàn (huyện An Lão) tất bật ra vườn cây chè dây của mình để chăm sóc, tưới tắm. Màu xanh cây dược liệu phủ xanh lên đất vườn.

Ông Trác bảo: "Chè dây là cây bản địa, quen với thổ nhưỡng, khí hậu ở An Toàn nên sinh trưởng mạnh. Chè dây có thể trồng xen với cây trồng khác, trồng dưới tán rừng… nên có thể kết hợp trồng ở các diện tích khác nhau".

Chè dây được trồng xen với cây mì (sắn), tạo nguồn thu nhập quanh năm cho người dân địa phương. Ảnh: Thu Dịu

Chè dây được tròng xen với rẫy mì (sắn) của người dân ở thôn 3, xã An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định). Ảnh: Thu Dịu

"Đặc biệt, khi người dân được hướng dẫn chăm sóc khoa học, bài bản cây phát triển rất tốt. Trồng 8 tháng cho thu hoạch lần đầu, và cứ một tháng thu một lần, một năm thu hoạch 7-8 lần, nhờ vậy mà gia đình tôi có nguồn thu thường xuyên hơn", ông Trác nói.

Không riêng ông Trác, hàng chục hộ dân lân cận cũng đang biến những thửa rừng, khu vườn của mình thành những vườn trồng cây dược liệu.

Người dân ở An Toàn bắt đầu tham gia sản xuất, bảo tồn dược liệu quý. Ảnh: Thu Dịu

Người dân ở An Toàn bắt đầu tham gia sản xuất, bảo tồn dược liệu quý. Ảnh: Thu Dịu

Nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, xã vùng cao An Toàn là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều dược liệu quý như chè dây, hà thủ ô, ba kích, đương quy, đảng sâm…

Ông Đinh Văn Liêu – Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn (huyện An Lão) cho hay, trước đây, chè dây ở An Toàn rất nhiều. Bởi vì nhiều lại mọc dại từ nhà tới rẫy, tới rừng nên bà con cũng không chú trọng. Nhiều người không biết chè dây lại có nhiều tác dụng điều trị bệnh nên không dụng công chăm sóc. Thậm chí, có thời gian dài, bà con thu hoạch bán cho thương lái không đúng quy trình, dẫn tới chè dây ở An Toàn cạn kiệt dần.

Từ năm 2020 – 2023, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) phối hợp với Hội LHPN huyện An Lão, tỉnh Bình Định và Công ty CP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) triển khai dự án chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã An Toàn. Theo đó, dự án đã chuyển giao kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng giúp người dân tham gia sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với việc bảo tồn, khai thác hợp lý nguồn dược liệu bản địa theo tiêu chuẩn GACP-WHO.

Mô hình sản xuất dược liệu đạt chuật GACP -WHO của Công ty TNHH MTV Dược liệu hữu cơ Bidiphar triển khai cho bà con ở An Toàn. Ảnh: Thu Dịu

Mô hình sản xuất dược liệu đạt chuẩn GACP -WHO của Công ty TNHH MTV Dược liệu hữu cơ Bidiphar triển khai cho bà con ở An Toàn. Ảnh: Thu Dịu

Theo ông Liêu, chè dây có công dụng tốt trong điều trị một số bệnh về dạ dày, gan… Sau khi có dự án chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa, với sự hỗ trợ từ nhiều bên, các hộ dân ở An Toàn được tham gia các lớp tập huấn và sản xuất. Quá trình này có sự đồng hành của các bộ kỹ thuật từ Bidiphar, giúp cho bà con nắm vững quy trình và từ đó áp dụng vào thực hành. Sau 30 tháng triển khai, dự án đã kết thúc, song kết quả tích cực đó là việc hình thành được chuỗi sản xuất, tiêu thụ cây chè dây giữa người dân và doanh nghiệp.

Thành công dự án này giúp bà con An Toàn từng bước khôi phục, bảo tồn được dược liệu quý bản địa. Từ một số hộ tham gia mô hình ban đầu, đến nay có khoảng 90 hộ thực hiện liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm chè dây. Theo ông Liêu, từ cây chè dây, với hỗ trợ của chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan, nhiều loài dược quý như hà thủ ô, đảng sâm, địa hoàng, đương quy, ba kích tím… bén rễ ở An Toàn.

Cơ hội mới cho người dân An Toàn

Theo ông Liêu, dự án phát triển cây chè dây đã mở ra cơ hội lớn cho bà con ở An Toàn. Chè dây trồng 8 tháng là cho thu hoạch, việc chăm sóc chè dây không quá phức tạp, nhưng cần phải tuân thủ quy trình.

Ông Đinh Văn Liêu - Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định chia sẻ về hiệu quả kinh tế từ các dự án trồng dược liệu bản địa tại địa phương. Ảnh: Thu Dịu

Ông Đinh Văn Liêu - Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định chia sẻ về hiệu quả kinh tế từ các dự án trồng dược liệu bản địa tại địa phương. Ảnh: Thu Dịu

Qua hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, bà con ở An Toàn đã tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Điều đáng mừng là toàn bộ sản phẩm chè dây đều được Công ty TNHH MTV Dược liệu hữu cơ Bidiphar và HTX Nông dược và dịch vụ An Toàn thu mua.

Trao đổi với phòng viên, ông Nguyễn Đức Thiệp – Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược liệu hữu cơ Bidiphar cho hay, toàn bộ chè dây đến độ thu hoạch đều được công ty bao tiêu. Bà con có bao nhiêu là công ty mua hết bấy nhiêu, nhờ vậy cho nên bà con phấn khởi. Cây chè dây là mở đầu trong hành trình phát triển dược liệu trên đất An Toàn.

Ông Nguyễn Đức Thiệp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược liệu hữu cơ Bidiphar giới thiệu về dược liệu dưới tán rừng. Trong ảnh: Ông Thiệp chia sẻ về cách chăm sóc cây hà thủ ô dưới tán rừng. Ảnh: Thu Dịu

Ông Nguyễn Đức Thiệp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược liệu hữu cơ Bidiphar giới thiệu về dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: Thu Dịu

Người dân quen với việc trồng, chăm sóc, thu hái dược liệu GACP-WHO, điều này không chỉ giúp các đơn vị sản xuất có vùng dược liệu sạch, ổn định mà còn gián tiếp giúp khôi phục lại nguồn dược liệu bản địa của vùng đất này.

"Trước đây chỉ có trồng mì, giờ xen thêm chè dây, sắp tới tôi cũng mạn dạn tham gia trồng thêm những dược liệu mới để mà có thêm thu nhập", ông Đinh Văn Đức (thôn 3, An Toàn), một hộ dân tham gia vào sản xuất cây dược liệu địa hoàng trong chuỗi liên kết của Công ty TNHH MTV Dược liệu hữu cơ Bidiphar, chia sẻ.

Anh Đinh Văn Đức (thôn 3, An Toàn) tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu địa hoàng do Công ty TNHH MTV Dược liệu hữu cơ Bidiphar triển khai. Ảnh: Thu Dịu

Anh Đinh Văn Đức (thôn 3, An Toàn) tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu địa hoàng do Công ty TNHH MTV Dược liệu hữu cơ Bidiphar triển khai. Ảnh: Thu Dịu

Sau thành công của mô hình trồng cây thuốc chè dây bản địa, đến nay UBND xã An Toàn tiếp tục nhân rộng các dự án trồng dược liệu. Trong năm 2024, xã An Toàn triển khai 3 dự án phát triển cây dược liệu gồm cây đương quy di thực và cây địa hoàng với diện tích 10,5 ha, 74 hộ dân tham gia.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Dược liệu hữu cơ Bidiphar làm chủ đầu tư triển khai dự án trồng địa hoàng với diện tích 8 ha, 43 hộ dân tham gia; HTX Nông dược và dịch vụ An Toàn triển khai dự án trồng đương quy với diện tích 2,2 ha với 25 hộ dân tham gia; Đoàn Thanh niên xã An Toàn triển khai trồng đương quy 0,3 ha với 6 hộ tham gia.

Theo ông Đỗ Tùng Lâm – Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, tỉnh Bình Định, phát triển dược liệu mở ra cơ hội mới cho bà con ở An Toàn. Với sự đồng hành của Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân An Toàn từng bước khôi phục và phát triển dược liệu quý, trong đó bảo tồn được dược liệu bản địa, từng bước thay đổi đời sống của người dân.

“Sản phẩm chè dây An Toàn đã được chứng nhận sản phẩm OCOP, đây là cơ hội lớn cho bà con An Toàn. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được sự đồng hành của chính quyền các cấp huyện, tỉnh và các doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chè dây An Toàn, giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Từ mô hình chè dây, sắp tới đây, bà con ở An Toàn tiếp phát triển thêm các dược liệu khác”, ông Đinh Văn Liêu – Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn, huyện An Lão.

Bạn đang đọc bài viết "Bình Định: “Hồi sinh” vùng dược liệu ở An Lão" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).