DNCS-Học trò đánh và làm nhục bạn, học trò đâm thầy giáo, cô giáo bạo hành trẻ mầm non … Từ đâu mà vấn đề bạo lực trở nên tràn lan như thế?
Một bé gái lớp 9 bị các bạn cùng lớp đánh và lột quần áo ngay trong lớp học, nó như một nhát búa gõ vào chiếc chuông cũ nát của giáo dục, khi hiện trạng bạo lực học đường liên tục xảy ra, vụ sau có tính chất dã man và độc ác hơn vụ trước. Nếu không sửa chữa, không chấn chỉnh, thì chiếc chuông ấy sẽ vỡ nát dần đến một lúc nào đó muốn làm cũng không còn cơ hội nữa.
Học trò đánh và làm nhục bạn, học trò đâm thầy giáo, cô giáo bạo hành trẻ mầm non … Từ đâu mà vấn đề bạo lực trở nên tràn lan như thế? Tôi nghĩ đó là tội ác, và bộ trưởng cùng lãnh đạo phải xem đó là vấn nạn của ngành giáo dục mà giải quyết triệt kể, không thể xem đó là sự cá biệt được nữa. Một ngày con trẻ ở trường nhiều hơn ở nhà, chúng ta không tạo ra môi trường an toàn cho trẻ thì làm sao chúng có thể phát triển và học tập như một người bình thường. Nếu cần thiết, hãy xóa bỏ mọi chương trình cũ, dẹp đi mọi thành tích với những điểm số, hãy xây dựng ngôi trường thành những ngôi trường trong lành, an toàn đi đã, sau khi hoàn thành rồi hãy dạy cho trẻ những điều khác.
Hãy dạy trẻ lên tiếng trước sự bất bình, dạy trẻ cách phản biện, dạy trẻ tranh luận để xây dựng một vấn đề. Trước hết, hãy làm gương. Vụ em gái lớp chín bị đánh, việc đầu tiên cô giáo và nhà trường nghĩ đến đầu tiên chính là ém nhẹm việc này đi. Ở một trường hợp khác, bảo trẻ im lặng coi như không biết, hoặc nói ngược lại với những gì trẻ thấy chỉ vì thành tích, vì danh dự, vì công việc, vì sợ hãi và vì hàng tá thứ chi phối khác… Trong khi giáo dục chính là dạy trẻ làm người, không ai nghĩ đến! Chúng ta không thể dạy một cách sáo rỗng mà phải thực hành trong cách sống, trong từng hành động, từng ứng xử hàng ngày với nhau. Đúng phải khen, sai thì nhận lỗi, kể cả đó là cô giáo hay hiệu trưởng, đó mới là cách giáo dục trẻ thành người có trách nhiệm với chính bản thân và cộng đồng.
Đâu rồi một nền giáo dục tuyên truyền lấy trẻ em làm đầu, là mầm non tương lai của đất nước, hay chỉ là những chương trình tuyên truyền hô hào sáo rỗng, còn thực chất chính là chạy theo những thành tích ảo, thường xuyên chê bai, thậm chí làm nhục những em học sinh yếu trong lớp khiến cho bạn cùng lớp coi thường, dẫn đến những cảnh bạo lực như vừa xảy ra.
Bậc làm cha làm mẹ, ngoài giờ làm việc, hãy ngồi lại trò chuyện cùng con, để con có thể nói được những gì con muốn. Không chỉ áp đặt thành tích bằng điểm số lên con, rồi phó mặc cho nhà trường. Thậm chí, con bị bắt nạt hay bị trù dập, cha mẹ cũng không đứng về phía con, mà dạy con điều ngược lại, là im lặng, là chịu đựng, sợ bị đuổi học, sợ bị chú ý… Làm cha làm mẹ, không thể để con mình lớn lên trong nỗi sợ hãi và tự vùng vẫy vươn lên trong sự tuyệt vọng không có chút hỗ trợ nào như thế. Bởi, không thể cho con ăn no mặc ấm là đã cho con một cuộc sống tốt đẹp hay một tương lai tươi sáng.
Tôi cũng là một người mẹ, thật sự khẩn thiết kêu gọi bộ Giáo dục vào cuộc trước vấn nạn học đường, không áp lực thành tích, dạy trẻ biết lên tiếng, biết phản biện. Chúng ta đào tạo cả một thế hệ nắm giữ vận mệnh đất nước, chứ không phải nuôi những con cừu.
Nguyễn Anh Đào