Bảo đảm tốt nhất các chính sách an sinh xã hội khi Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương

31/10/2024 12:13

(Chinhphu.vn) – Khi Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, các ý kiến Đại biểu Quốc hội mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi thay đổi giấy tờ có liên quan và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của các đơn vị hành chính vừa được thành lập mới, tránh sự xáo trộn và biến động lớn cũng như bảo đảm tốt nhất các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cuộc sống người dâ...

Bảo đảm tốt nhất các chính sách an sinh xã hội khi Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương- Ảnh 1.

Tổ 3 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ngãi, Nghệ An thảo luận tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương theo Tờ của Chính phủ vào sáng nay (31/10).

Cần thiết thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Tờ trình của Chính phủ nên rõ, việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội rất quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng thời là niềm tự hào của Nhân dân cả nước, là động lực để Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc Cố đô để phát triển nhanh, bền vững, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước.

Bên cạnh đó, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương là cơ sở để tổ chức chính quyền đô thị mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân; là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu "Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao" theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thảo luận tại Tổ, các đại biểu Quốc hội khẳng định, việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự đổi mới đột phá trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch.

Đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An), đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ khai thác và phát huy toàn diện, hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế của thành phố di sản, đưa Huế phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực lan tỏa, phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

"Từ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của mình, việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương không chỉ là mong mỏi của người dân tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực mà còn là mong mỏi chung của cử tri và nhân dân cả nước", đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhận định.

Một số ý kiến nhấn mạnh, việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương không chỉ là sự chuyển dịch về không gian đô thị mà còn tạo lập không gian kinh tế, động lực phát triển mới cho địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị khang trang, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo đảm tốt nhất các chính sách an sinh xã hội khi Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương- Ảnh 2.

Đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An) phát biểu thảo luận - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Giải quyết các khó khăn, thách thức có thể phát sinh

Trên tinh thần nội dung Đề án, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, có phương hướng, kế hoạch giải quyết các khó khăn, thách thức có thể phát sinh khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, như các vấn đề về thay đổi mô hình tổ chức quản lý nhà nước gắn với việc tổ chức chính quyền đô thị; chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, giải quyết vấn đề việc làm, tạo sinh kế cho người dân; vấn đề hình thành và nâng cao chất lượng đời sống đô thị của người dân;...

"Khi Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều vùng nông thôn, chính quyền nông thôn cấp huyện, cấp xã sẽ trở thành chính quyền đô thị, người dân nông thôn thành người dân đô thị. Từ đó sẽ có những vấn đề phát sinh khi được nâng cấp, sẽ có những đối tượng thiệt thòi như hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, các em học sinh nông thôn sẽ bị ảnh hưởng khi thực hiện chính sách cộng điểm trong xét, thi tuyển đại học... Đây là những vấn đề đặt ra và cần phải có lộ trình giải quyết phù hợp để thực hiện được tốt nhất các chính sách về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đối với người dân", Đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An) nêu quan điểm.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Đại biểu Phạm Phú Bình (Nghệ An) và một số ý kiến mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi thay đổi giấy tờ hành chính và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của các đơn vị hành chính vừa được thành lập mới cũng như bảo đảm cuộc sống người dân...

Hải Giang


Bạn đang đọc bài viết "Bảo đảm tốt nhất các chính sách an sinh xã hội khi Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương" tại chuyên mục Tin tức - Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).