Bản tin 12/8: Học phí đại học tăng nhưng vẫn ở mức thấp

12/08/2024 08:30

Học phí đại học tăng nhưng vẫn ở mức thấp; Nam thanh niên ho ra máu, đi khám nhiều nơi không ra bệnh ai ngờ vì thói quen sinh hoạt ăn uống...

Học phí đại học tăng nhưng vẫn ở mức thấp

Theo Đại Đoàn Kết ,năm học 2024-2025, đa số các trường đều tăng học phí so với năm học trước. Tuy nhiên, theo Bộ GDĐT, mức thu học phí đại học còn quá thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo.

Theo ghi nhận, tới thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố mức học phí năm học 2024-2025. So với năm học trước thì năm học này, đa số các trường đều tăng học phí.

Năm học 2024 – 2025, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng hai mức học phí, lần lượt là 32 triệu và 40 triệu đồng/năm học. Mức tăng học phí của trường không quá 15% mỗi năm.

Theo đề án tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội, đối với sinh viên đại học chính quy nhập học năm 2024 (K69), các chương trình chuẩn có mức học phí từ 24 - 30 triệu đồng/năm học (tùy theo từng ngành).

Học phí các chương trình ELITECH từ 33 - 42 triệu đồng/năm học. Riêng các chương trình Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có học phí 64 – 67 triệu đồng/năm học.

Nhà trường lưu ý, các mức học phí trên có thể được điều chỉnh cho các năm học sau, nhưng không tăng quá 10% mỗi năm.

Học viện Ngân hàng dự kiến, học phí năm học 2024-2024 sẽ từ 25-37 triệu đồng. Trong đó, các chương trình đào tạo chuẩn thuộc nhóm ngành Kinh doanh quản lý và pháp luật, học phí là 25 triệu đồng/năm; khối ngành Công nghệ thông tin là 26,5 triệu đồng/năm và khối ngành Nhân văn, Khoa học xã hội là 26 triệu đồng/năm.

Mức học phí cao nhất áp dụng với các chương trình chất lượng cao, nhiều ngành tăng hơn 10 triệu so với năm ngoái. Theo đó, với chương trình liên kết quốc tế, học phí dao động 340-380 triệu đồng cho cả khóa 4 năm, có thể cao hơn nếu sinh viên chọn học năm cuối ở trường liên kết.

Trong số các nhóm ngành có mức học phí tăng của năm nay thì nhóm ngành Sức khỏe có mức học phí cao nhất.

Mặc dù học phí đại học tăng nhưng đánh giá về lộ trình tăng học phí, Bộ GDĐT cho biết lộ trình học phí hiện nay chưa đáp ứng được theo yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW vì khung và mức thu học phí còn thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo.

Lý giải về điều này, theo Bộ GDĐT, đối với học phí đại học, năm học 2023-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Trong đó quy định: Mức học phí các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo mức trần học phí năm học 2023-2024 đến năm học 2026-2027 quy định tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP (lùi lộ trình học phí 1 năm so với quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP).

Căn cứ lộ trình học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập quy định tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP, học phí từ năm học 2023-2024 tăng theo lộ trình để đảm bảo đến năm học 2026-2027 bù đắp chi phí đào tạo.

Về học phí, tại Nghị quyết số 165/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu giữ ổn định mức học phí năm học 2022-2023 bằng mức học phí năm học 2021-2022.

Mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập đã giữ ổn định trong 3 năm học vừa qua (từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023) để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cho đến nay lộ trình học phí tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP chưa thực hiện được.

Đối với học phí từ năm học 2023-2024, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP lùi 1 năm so với lộ trình học phí tại Nghị định 81.

Như vậy, mặc dù học phí thực hiện theo cơ chế giá quy định tại Luật Giá, Luật Giáo dục và theo Nghị quyết số 19-NQ/TW thì đến năm 2021 phải hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đối với một số lĩnh vực cơ bản, trong đó có GDĐT.

Tuy nhiên, lộ trình học phí hiện nay chưa đáp ứng được theo yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW vì khung và mức thu học phí còn thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo.

Bên cạnh đó, quyết định tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024 làm cho quỹ tiền lương của các đơn vị hằng năm tăng cao, gây khó khăn trong cân đối nguồn thu để duy trì hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo.

Bộ Công an lý giải về đề xuất giảm mức phạt nồng độ cồn

Bản tin 12/8: Học phí đại học tăng nhưng vẫn ở mức thấp- Ảnh 1.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.

Theo Tri Thức & Cuộc sống Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo dự thảo Nghị định, Bộ Công an dự kiến sẽ hạ mức phạt vi phạm nồng độ cồn với người lái xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở từ 6 - 8 triệu đồng xuống còn 800.000 - 1 triệu đồng.

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), mức tiền phạt là từ 6 - 8 triệu đồng.

Các vi phạm nặng hơn vẫn giữ nguyên mức phạt tiền như hiện tại, nhưng có thể thay đổi từ hình thức tước giấy phép lái xe sang trừ điểm giấy phép lái xe.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, đề xuất giảm tiền xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức một đối với người điều khiển ôtô, môtô, xe máy chuyên dùng, được đưa ra sau khi Bộ Công an nhận ý kiến của một số bộ, ngành và người dân.

Những ý kiến này cho rằng, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo một người đàn ông khỏe mạnh uống một ly rượu trong vòng một giờ thì nồng độ cồn đo được dưới mức 0,35mg/lít khí thở và dưới 50mg/ml máu. Các nghiên cứu khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy lượng nhỏ rượu bia có thể không gây ảnh hưởng quá lớn đến khả năng lái xe. Vì vậy, đề xuất giảm tiền phạt với người uống ít.

Ngoài việc giảm phạt tiền, Dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định trừ điểm giấy phép lái xe với tất cả hành vi vi phạm nồng độ cồn. Cụ thể, lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở có thể bị trừ 12 điểm. Lỗi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg - 0,4 mg/lít khí thở có thể bị trừ 10 điểm.

Nếu lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở có thể bị trừ 2 điểm.

Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, sau khi Bộ Công an đăng tải dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ có đề xuất trên, Cục CSGT đã nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp. Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành vì phạt nặng vi phạm nồng độ cồn đã giúp người tham gia giao thông có ý thức về việc "đã uống rượu, bia thì không lái xe".

Trong khi đó, nhiều người đồng tình nên hạ mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn tối thiểu vì không ảnh hưởng lớn đến khả năng lái xe.

Chính vì vậy, ngoài việc xin ý kiến, Bộ Công an sẽ tổ chức hội thảo, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng dự thảo nghị định với tinh thần nghiêm minh, tương xứng với mức vi phạm và trình Chính phủ quyết định.

Nam thanh niên ho ra máu, đi khám nhiều nơi không ra bệnh ai ngờ vì thói quen sinh hoạt ăn uống

Theo Vietnamnet, tháng 7 vừa qua, sau khi bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội), các bác sĩ ở đây đã phát hiện anh nhiễm sán lá phổi. Bệnh nhân cho biết bản thân thường đi làm, qua suối, bắt cua sống nướng lên ăn. Hiện bệnh nhân đã được điều trị khỏi, xuất viện và hướng dẫn tái khám định kỳ.

Bản tin 10/8: Hà Nội sẽ xây thêm 30-35 trường THPT công lập, có nơi xây thêm 3 trườngBản tin 10/8: Hà Nội sẽ xây thêm 30-35 trường THPT công lập, có nơi xây thêm 3 trườngĐỌC NGAY

Sán lá phổi có rất nhiều loài khác nhau (hơn 40 loài), trong đó 2 loài thuộc nhóm có mức độ gây hại nhất là Paragonimus heterotremus và Paragonimus westermani.

Các loài sán lá phổi này thường có kích thước khá lớn, có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường những con sán đã trưởng thành.

Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đức Giang, một số tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La..., người dân có thói quen sinh hoạt ăn món tôm, cua sống (ăn gỏi hoặc nướng chưa chín).

Khi ăn phải tôm, cua có ấu trùng sán lá phổi chưa nấu chín, ấu trùng sán vào dạ dày và ruột (ấu trùng thoát nang ở tá tràng), xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng rồi xuyên qua cơ hoành và màng phổi vào nhu mô phổi rồi làm tổ ở đó, một số ít cư trú tại tim, phúc mạc, gan, thận, dưới da, ruột, não…

Sán chủ yếu ký sinh trong phổi, làm nang trong tiểu phế quản nhỏ của phổi người hay súc vật, trong mỗi nang hầu hết có 2 con và dịch mủ màu đỏ, xung quanh có mạch máu tân tạo.

Triệu chứng mắc sán lá phổi của từng người tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh, bệnh lý nền kèm theo. Một số triệu chứng điển hình như:

- Rối loạn tiêu hóa thường là triệu chứng ban đầu của bệnh: Ngay sau khi nhiễm phải các loại ấu trùng sán thông qua việc ăn uống, người bệnh bị đau bụng, tiêu chảy.

- Ở giai đoạn ấu trùng sán lá phổi đã di chuyển từ dạ dày lên đến vùng phổi, người bệnh có triệu chứng tràn khí màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi.

- Khi sán đã ký sinh tại phổi và sinh sản, bệnh nhân xuất hiện nhiều triệu chứng bệnh rõ rệt hơn nữa, đặc biệt ảnh hưởng đến hệ hô hấp: Ho kéo dài, ho khạc đờm có kèm máu, đau tức ngực, sốt nhẹ, cơ thể dần yếu ớt, khả năng hô hấp bị hạn chế,...

Một vài trường hợp bệnh nhân có những triệu chứng bệnh khá phức tạp sẽ bị chẩn đoán nhầm giữa sán lá phổi với bệnh lao phổi.

Để phòng bệnh, bác sĩ khuyên người dân không nên ăn các loại đồ ăn sống như tôm, cua nước ngọt; vệ sinh sạch sẽ tay và các dụng cụ chế biến thức ăn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các loại tôm, cua, cá sống.

Trúc Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Bản tin 12/8: Học phí đại học tăng nhưng vẫn ở mức thấp" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).