Áo dài, cờ đỏ, khăn rằn

25/04/2025 10:00

Mấy hôm nay dinh Độc Lập, tức dinh Thống Nhất bây giờ, lúc nào cũng ken đặc người chụp ảnh. Nam thì hầu hết cựu chiến binh, nữ thì áo dài, cờ đỏ, khăn rằn.

Sáng chủ nhật vừa rồi, đi cà phê về, cái khách sạn trước nhà tôi đông nghẹt người... chụp ảnh. Phải rón rén mãi mới vào nhà được.

Đấy là cái khách sạn mới mở nửa năm nay, khá đẹp, view nhìn ra quảng trường. Điều quan trọng là, mỗi ô ban công họ căng một lá cờ Tổ quốc, đỏ rực, rất đẹp. Mà trời Pleiku mùa này đang đẹp, mây rất biếc, nắng hanh vàng, cỏ xanh.

Những người chụp ảnh, đa phần là nữ. Áo dài trắng, tay cầm quốc kỳ, cổ quấn khăn rằn. Nhiều cháu thiếu nữ, rất xinh.

Buổi chiều, lên quảng trường đi bộ, trời ạ, lại tràn ngập cờ đỏ, áo dài, khăn rằn. Có thêm rất nhiều trẻ con, ba bốn tuổi có, bảy tám tuổi có, cũng trang phục như thế.

Lòng cứ rực lên những nỗi niềm khó tả.

Thực ra thì nhiều năm nay rồi, mấy cái khách sạn gần nhà tôi ấy, cứ ngày hai tháng chín là họ lại treo rất nhiều cờ, đỏ rực khách sạn lên.

Giờ, khái niệm Tổ quốc vô cũng gần gũi, thân quen.

Nó là một mảnh trời thu xen trong kẽ lá, là nụ cười cô gái đang bước ngược nắng, là cái tiếng reo phần phật của lá cờ nhỏ gắn trên nóc xe tắc xi, là hơi khói bốc lên từ nồi cơm mẹ nấu lúc cả nhà quây quần quanh mâm ở góc sân quen thuộc...

Nhiều bạn trẻ đang rủ nhau thay avatar trên mạng bằng cờ Tổ quốc. Mới nhìn tưởng là hình thức, nhưng nghĩ kỹ, đấy là cách thể hiện tình yêu của lớp trẻ, họ sôi nổi nhưng đầy ý thức khi trong những ngày này muốn nhuộm đỏ mình. Cái màu đỏ thiêng liêng khiến bao nhiêu trái tim phải rạo rực, phải rưng rưng. Cũng như thế, tôi rất yêu và kính phục những Fan thể thao trên các khán đài. Người thì cầm một lá cờ nhỏ trên tay, người thì vẽ lên mặt, lên trán, người thì quấn cờ quanh người, và, đáng nể nhất là những người cầm những lá cờ rất lớn, liên tục phất. Mỏi tay lắm, tôi biết, nhưng lòng tự hào dân tộc, tình yêu Tổ quốc đã chiến thắng. Họ phất cờ, và chạy. Lá cờ cứ rừng rực giữa biển người làm ta cứ nao nao trong dạ. Rồi mỗi khi Quốc ca cất lên, muôn người như một đứng lên tay đặt vào tim, cùng cất tiếng vang rền: "Đoàn quân Việt Nam đi...". Hạnh phúc, lâng lâng, cay cay khóe mắt, thấy những điều nhỏ nhặt mất đi, còn lại những lớn lao của lý tưởng, của cuộc đời...

Thì đấy, mấy hôm nay báo chí và dân mạng nhắc nhiều tới một bác cựu chiến binh, 76 tuổi, đi xuyên từ Nghệ An vào TP.HCM để dự ngày kỷ niệm 50 năm thống nhất. Và chưa hết, một thanh niên rất trẻ, đạp chiếc xe đạp của ông mình, xe Thống nhất huyền thoại một thuở, cũng đang một mình cặm cụi trên đường để vào Sài Gòn đúng ngày 30 tháng tư. Sau xe anh cột một lá cờ to, cờ Tổ quốc phấp phới suốt chặng đường anh đạp xe.

Áo dài, cờ đỏ, khăn rằn- Ảnh 1.

Cũng như thế, mấy hôm nay dinh Độc Lập, tức dinh Thống Nhất bây giờ, lúc nào cũng ken đặc người chụp ảnh. Cũng vẫn trang phục ấy, nam thì hầu hết cựu chiến binh, nữ thì áo dài, cờ đỏ, khăn rằn.

Và không chỉ ở dinh Thống nhất, và cũng không chỉ nơi tôi ở. "Dạo" trên phây thì thấy, hầu như chỗ nào cũng thế, địa phương nào cũng vậy.

Nhiều công ty, nhà máy, nhiều trường học cũng đỏ rực cờ đỏ. Những cái áo dài còn được gắn chim bồ câu hòa bình. Mà áo dài, trời ạ, tôi từng mê mẩn viết về nó như thế này: "Nó, tà áo dài ấy, trở thành bản sắc dân tộc hàng trăm năm nay, và tôi có cảm giác, với áo dài, chỉ thiếu nữ Việt Nam mặc mới đẹp, hay nói cách khác, khi mặc áo dài, thiếu nữ Việt Nam bộc lộ hết nữ tính của mình, và cũng chỉ với thiếu nữ Việt Nam, áo dài mới khoe hết những gì đặc trưng nhất của nó, đó là sự dịu dàng đầy nữ tính, kín đáo mà gợi cảm, trực giác mà tưởng tượng, đoan trang mà e ấp, thẳng mà cong, kín mà hở, lý đấy mà tình đấy, tiết hạnh mà cao sang, bình dân mà quý phái, đưa chúng ta vào thế giới phiêu diêu ảo mộng của thiên đường thẩm mỹ"... Tất nhiên bây giờ áo dài đã cách tân để, như gia đình cô giáo cũ của tôi đang xuyên Việt, mỗi người mang mấy áo dài, và vẫn mặc đi đường, ngồi ô tô, không vướng víu...

Và hình như không có một chỉ đạo nào, vì tôi chưa nghe ai nói về việc này, mà như thế là việc này hoàn toàn tự phát, tự phát một cách thống nhất như thế thì quả là ý nghĩa của ngày thống nhất đã rất toàn vẹn, rất thống nhất. Sự tự phát từ tấm lòng, từ con tim, những tấm lòng, những con tim hướng về một điểm.

Cũng nể các nhà may, họ thích ứng rất nhanh. Đa phần áo dài là các gia đình mua, nhất là cho con nhỏ. Áo dài may rất đẹp, có in hình bản đồ Tổ quốc nữa. Nhìn các cháu nhỏ lon ton mặc áo dài, tay cầm cờ tổ quốc tạo hình chụp ảnh, chạy nhảy ở quảng trường, chả ai mà không xúc động, mà không thể thốt lên "đáng yêu quá".

Và cũng, chưa bao giờ thấy khăn rằn đẹp như lúc này.

Áo dài, cờ đỏ, khăn rằn- Ảnh 2.

Nó là một sản phẩm của nhân dân Nam bộ, dù gốc là của người Khơ Me, có rất nhiều tác dụng chứ không chỉ là khăn. Tôi được tặng cũng có, tự mua cũng có, trong nhà khá nhiều khăn rằn. Nhưng phải đến cái đận lên đảo Thiềng Liềng (huyện đảo Cần Giờ, TPHCM), được bà con tặng khăn rằn và giải thích công năng ý nghĩa mới thấy bà con ta tài thật. Nó là khăn quàng cổ, là thứ đội đầu che nắng, là khăn lau, khăn tắm, là tấm đắp, là thứ quấn để... thay đồ, là nôi ru em bé. Đàn ông cột khăn lên đầu để mồ hôi không rơi vào mắt, để tóc không xõa xuống khi làm việc. Cột ngang người để dắt đồ lao động như búa, liềm, dao vân vân.

Nguyên thủy của nó là hai màu trắng đen, nhưng tới Đồng Tháp, xứ xở sen hồng, nó lại được biến thể thành màu hồng. Và bây giờ, khăn rằn đang trở thành biểu tượng của hòa bình, thống nhất.

TIN LIÊN QUANNhững cuộc Những cuộc "chơi" tháng Tư của người không chịu già

Và mới thấy yêu Tổ Quốc biết nhường nào, yêu từ những trang phục tự phát trở thành biểu tượng hôm nay. Và cũng mới biết, té ra, Tổ quốc bình dị và gần gũi biết bao. Thiêng liêng và gần gũi, xúc động và tự hào, Tổ quốc đang trong veo ở đôi mắt cháu bé 3 tuổi mặc áo dài cầm lá cờ chập chững trên cỏ trước mắt tôi trong một chiều Pleiku đầy gió...

Mãi mãi những tháng Tư chan chứa yêu thương, ngập tràn khoan dung và hạnh phúc bởi âm hưởng hòa bình. Mới thấm nghĩa cái câu mà giờ lớp trẻ đang dùng như slogan: Tổ quốc trong tim.

* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả!


Bạn đang đọc bài viết "Áo dài, cờ đỏ, khăn rằn" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).