
Cụ thể, tại tỉnh Bình Dương có 92,15% cử tri đồng ý; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 99,32% cử tri đồng ý; Thành phố Hồ Chí Minh có 88,9% cử tri đồng ý.
Các ý kiến không đồng ý và ý kiến khác liên quan đến việc sắp xếp các tỉnh và thành phố cho thấy, một số cử tri còn băn khoăn khi đơn vị hành chính tỉnh mới sau hợp nhất quá rộng nên việc trao đổi trực tiếp của người dân đến các cấp chính quyền không thuận tiện. Bên cạnh đó, trụ sở trung tâm hành chính xa khu dân cư, khi người dân liên hệ làm thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn bởi khoảng cách địa lý quá xa hay việc thay đổi tên tỉnh, tên xã thì thông tin giấy tờ liên quan phải thay đổi theo…
Về kết quả phản biện xã hội đối với Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao tinh thần cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả quản trị nhà nước và chủ trương tạo lập cực tăng trưởng mới của cả nước thông qua đề xuất hợp nhất. Đây là bước đi chiến lược, cần thiết nhằm mở rộng không gian phát triển và kết nối vùng Đông Nam Bộ; thể hiện rõ quan điểm đổi mới, bám sát tinh thần các Nghị quyết của Trung ương và phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, để việc thực hiện đạt hiệu quả cao, cần xem xét thêm một số vấn đề cụ thể về tính khả thi và điều kiện đặc thù; về ổn định xã hội; về đội ngũ cán bộ, công chức… Do vậy, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đề nghị UBND Thành phố kiến nghị với Trung ương xem xét, chấp thuận cho 3 địa phương được chủ động, cân đối kinh phí, nguồn lực hiện có để giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách; tiếp tục tạo cơ chế thực hiện Nghị quyết số 98 cho Thành phố Hồ Chí Minh sau khi sắp xếp, sáp nhập đến hết năm 2030.
Sau khi sắp xếp, Thành phố cần chỉ đạo các cơ quan có liên quan tăng cường phối hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi giấy tờ; giải quyết các chế độ, chính sách; cần có phương án sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã bị ảnh hưởng; thành lập bộ phận tham mưu, quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình sắp xếp, kiểm tra; cần rà soát quỹ nhà chung cư để hỗ trợ cán bộ, công chức hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu có nhu cầu nhận công tác tại Thành phố…
Thành phố Hồ Chí Minh sau khi hợp nhất với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ lấy tên là Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích hơn 6.700 km², dân số toàn đô thị hơn 13,7 triệu người, 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu.