
Bí thư tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh khẳng định, 60 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của sự kiện Hàm Rồng chiến thắng vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàm Rồng chiến thắng trở thành tượng đài bất tử, minh chứng cho tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam trước mọi kẻ thù xâm lược.
Đây cũng là thất bại lớn đầu tiên của không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc, là sự khẳng định về sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam. 60 năm đã đi qua nhưng sự kiện Hàm Rồng chiến thắng mãi là bản anh hùng ca bất tử, để lại những bài học quý giá, có ý nghĩa sâu sắc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Từ một vùng đất bị bom cày đạn xới, bằng bàn tay, khối óc, tinh thần lao động sáng tạo của nhiều thế hệ, Hàm Rồng và thành phố Thanh Hóa ngày nay đã có nhiều đổi thay. Nhiều dự án lớn đã và đang được đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả, tạo điểm nhấn đẹp về cảnh quan kiến trúc như: Đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ, Công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã, Tượng đài thanh niên xung phong, Quảng trường Hàm Rồng… Cầu Hàm Rồng, Đồi C4 và nhiều địa danh trong quần thể danh thắng Hàm Rồng đã trở thành địa chỉ đỏ bồi đắp lòng yêu nước cho hệ trẻ, là điểm đến của nhiều hoạt động văn hóa, du lịch.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh, phát huy tinh thần Hàm Rồng chiến thắng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thanh Hóa tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng địa phương trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước. Thanh Hóa tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cách đây 60 năm, trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, cầu Hàm Rồng là mục tiêu ném bom đánh phá trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc của đế quốc Mỹ với quy mô lớn và mức độ ác liệt nhất.

Quyết bảo vệ cây cầu Hàm Rồng - huyết mạch giao thông quốc gia, nhằm đảm bảo chi viện cho chiến trường miền Nam, nhân dân các địa phương của Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ ở khu vực Hàm Rồng, Đò Lèn và các khu vực trọng điểm khác kiên trì bám đất, bám cầu, xây dựng hầm hào, công sự, trận địa, tích cực chi viện sức người, sức của cho cuộc chiến đấu.
Sau 2 ngày chiến đấu kiên cường với tinh thần “Quyết thắng” quân và dân ta đã bắn rơi 47 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng. Trong những năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, quân và dân Hàm Rồng đã phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi 117 máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ cầu, bảo đảm giao thông thông suốt, góp phần cùng quân, dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm đã diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hàm Rồng - Vang mãi bản hùng ca” gồm 3 phần: Hàm Rồng sẵn sàng chiến đấu; Hàm Rồng chiến thắng và Hàm Rồng vang mãi bản hùng ca. Chương trình nghệ thuật được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa với những cảnh diễn hóa thân các nhân vật có thật trong lịch sử kết hợp với các ca khúc đã đi cùng năm tháng và một số ca khúc viết về Tổ quốc, Đảng, Bác Hồ, Hàm Rồng, Thanh Hóa trong chiến đấu cũng như trong công cuộc dựng xây, đổi mới.