Nội dung bức thư chia sẻ cảm xúc, dành những lời tri ân xúc động tới dân tộc Việt Nam anh hùng, đồng thời rút ra những bài học quý giá cho cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền của các nước đang phát triển trong bối cảnh mới. Sau đây là nội dung bức thư mang tầm vóc một tuyên ngôn chính trị, vừa là lời tri ân, vừa là sự khẳng định tình đoàn kết quốc tế giữa hai dân tộc:

TP Hồ Chí Minh, Việt Nam
Theo lời mời trân trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi có mặt tại thành phố mang tên Người - TP Hồ Chí Minh lịch sử, còn được biết đến với tên gọi trước đây là Sài Gòn, để tham dự lễ kỷ niệm trọng thể 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Lễ kỷ niệm do lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trì đã quy tụ đông đảo các đoàn đại biểu quốc tế cấp cao, thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị với chính quyền, các cựu chiến binh và nhân dân Việt Nam. Tình cảm ấy được vun đắp từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi các dân tộc chúng ta cùng đương đầu với những cuộc tấn công tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, can thiệp và chủ nghĩa quân phiệt đế quốc - những mối đe dọa vẫn còn hiện hữu dưới nhiều hình thức khác nhau, xâm phạm nền độc lập, chủ quyền mà nhân dân Mỹ Latinh, trong đó có Cộng hòa Dominicana, đã phải đánh đổi bằng biết bao xương máu.
Có mặt tại đây trong không khí tưng bừng cờ hoa, chúng tôi không chỉ thể hiện tình hữu nghị truyền thống, mà còn bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu sắc trước một dân tộc anh hùng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong, quân đội anh hùng và những nhà lãnh đạo kiệt xuất như Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân Việt Nam đã kiên cường đương đầu và đánh bại đội quân hùng mạnh nhất thế giới cùng chính quyền tay sai miền Nam, giành thắng lợi vẻ vang.
Năm thập kỷ qua, ngày 30/4 luôn là dịp để người dân Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn với những người đi trước, niềm tự hào trước lá cờ Tổ quốc lần đầu tiên được Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận kiêu hãnh kéo lên trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến thắng trước đế quốc Mỹ hùng mạnh, chấm dứt ách thống trị thực dân kéo dài hơn một thế kỷ, Việt Nam đã trở thành biểu tượng của khát vọng độc lập tự do, là tấm gương sáng về xây dựng dân chủ, kiến tạo hòa bình và phát triển với công bằng xã hội.
Lễ kỷ niệm 50 năm này tựa như một chiến thắng nối tiếp chiến thắng, với quy mô hoành tráng, sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, thể hiện tinh thần đoàn kết và lòng biết ơn sâu sắc với các thế hệ anh hùng. Điều này càng có ý nghĩa khi đế quốc vẫn không ngừng tìm cách áp đặt các công thức bá quyền mới dưới chiêu bài địa chính trị mơ hồ. Trước thách thức đó, thế giới đa cực đang mở ra những con đường mới để cùng tiến bước.
Hành trình rực rỡ phía trước
Lịch sử hàng nghìn năm của Việt Nam là thiên anh hùng ca về những trận chiến oanh liệt chống ngoại xâm, phản ánh ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất của dân tộc. Chiến thắng 30/4/1975 là trang sử vàng chói lọi, khiến cả những thế lực đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ phải kinh ngạc. Sự kiện này được ghi vào lịch sử như một mốc son của thế kỷ XX, khi Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên đánh bại quân đội Mỹ. Nhân dân Việt Nam đã thể hiện trí tuệ, khả năng đoàn kết, bản lĩnh chính trị và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh: Thống nhất đất nước là lẽ sống của dân tộc. Các thế hệ hôm nay luôn tự hào và tri ân sâu sắc những hy sinh của cha anh, điều mà chúng tôi cảm nhận rõ trong không khí lễ hội tưng bừng suốt tháng Tư lịch sử.
Đất nước thống nhất đã bước vào kỷ nguyên mới - xây dựng chủ nghĩa xã hội trong độc lập, tự do, chủ quyền trọn vẹn và hòa bình bền vững. Nhân dịp này, chúng tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và tri ân sâu sắc đến cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người kế tục xuất sắc di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.
Ngay trước thềm lễ kỷ niệm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc thành công Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khóa XIII) sau ba ngày làm việc dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm, thông qua những quyết định lịch sử nhằm định hướng cho giai đoạn cách mạng mới, bao gồm sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và hệ thống pháp luật phục vụ công cuộc cải cách chính trị. Đặc biệt, cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo đang tạo những chuyển biến tích cực, bài học quý cho nhiều quốc gia đang vật lộn với “giặc nội xâm” này.
Trong dòng chảy lịch sử đầy những giao thoa định mệnh, lễ kỷ niệm chiến thắng chống ngoại xâm của Việt Nam diễn ra vào đúng tháng Tư - tháng mà nhân dân Dominicana cũng kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tư (24/4/1965), cuộc nổi dậy của quân dân đòi khôi phục chế độ dân chủ sau vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Juan Bosch - nhà lãnh đạo dân chủ đầu tiên được bầu cử tự do sau khi bạo chúa Rafael Leónidas Trujillo Molina bị lật đổ.
Trước sức kháng cự quyết liệt của nhân dân Cộng hòa Dominicana dưới sự lãnh đạo của Đại tá Francisco Alberto Caamaño Deñó, Mỹ đã đưa 42.000 lính thủy đánh bộ vào quốc gia Caribe này trong chiến dịch “Power Pack” (28/4/1965 - 21/9/1966) - lần thứ hai sau năm 1916. Mục đích của họ là ngăn chặn một “Cuba thứ hai” tại Caribe. Thế nhưng, cả Cuba và Việt Nam, mỗi nước theo cách riêng, đã trở thành biểu tượng sáng ngời về sức kháng cự sáng tạo, lòng dũng cảm và nhân phẩm.
Kể từ đó, chủ quyền của Cộng hòa Dominicana liên tục bị xâm phạm dưới nhiều hình thức, khiến chúng tôi không ngừng đấu tranh để giành lại độc lập dân tộc. Việt Nam đã thành công nhờ đoàn kết, trí tuệ, kiên định và anh hùng. Ngày 30/4 tại đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những ngày 24 và 28/4 tại quê hương của Duarte, Caamaño và đồng đội - tất cả đều thắp lên ngọn lửa đoàn kết toàn dân tộc chống lại đế quốc xâm lược.
TP Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 4 năm 2025
Miguel Mejía
Tổng Bí thư Đảng MIU, Cộng hòa Dominicana.