.jpg)
Sức bật Trường Sa
Trung tá Cấn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, Chủ tịch UBND Thị trấn Trường Sa cho biết: thời gian qua, nhiều hoạt động hướng tới những ngày kỷ niệm trọng đại này đã diễn ra. Toàn đảo đã đẩy mạnh các hoạt động thi đua huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, kỷ luật nghiêm, an toàn tuyệt đối với các khẩu hiệu "Vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập"; "Tuần học kiểu mẫu", "Giờ học thanh niên tự quản".
Các lực lượng trên đảo đã tích cực xây dựng kế hoạch chi tiết các nội dung, phần việc, phân công cho từng đơn vị và hộ dân trên đảo; chỉ đạo cho các hộ dân tổ chức quét dọn, tổng vệ sinh nhà cửa, trang trí cờ Tổ quốc trước cổng nhà. Các đơn vị và hộ dân trên đảo đã tổ chức ươm, trồng hoa và tổ chức treo pano khẩu hiệu tuyên truyền.

Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, quân và dân Trường Sa ngày đêm chăm sóc cho đảo, giờ đây, diện mạo của Trường Sa đã có sự đổi thay rõ rệt, cơ sở vật chất ngày càng khang trang hơn. Tại tất cả các đảo đã được lắp đặt và khai thác hiệu quả hệ thống năng lượng sạch. Mỗi đảo đều có hệ thống tua-bin gió hiện đại, cao hàng chục mét, được bố trí xây dựng xung quanh đảo để đón gió từ nhiều hướng. Trên các mái nhà ngói đỏ cũng được phủ thêm một màu xanh bóng loáng của những tấm pin mặt trời để khai thác tối đa nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên.
Thăm nhà của 7 hộ dân trên đảo Trường Sa, chúng tôi thấy nhà nào cũng có giàn cây dây leo trước hiên và được đánh số giống một dãy phố trên đất liền. Trước dãy nhà là rất nhiều bàng vuông, tra, phi lao, khoảng sân chung rộng rãi và những bộ bàn ghế đá nơi lũ trẻ mỗi chiều tan học lại ríu rít nói cười.

Vui mừng khi chúng tôi đến thăm, gia đình anh Nguyễn Minh Tâm và vợ là chị Lê Thị Minh Diệu, 1 trong 7 hộ dân sống tại đảo Trường Sa lớn hào hứng kể, gia đình anh có 2 cháu. Cháu lớn lớp 6 đã vào đất liền học, còn cháu bé đang học lớp 1 trên đảo. "Người dân trên đảo khi đau ốm được các y, bác sĩ tận tình khám, chữa bệnh; hàng hóa cũng theo các tàu cá và tàu hàng thường xuyên được gửi tới người dân qua âu tàu đảo Trường Sa. Cuộc sống trên đảo cơ bản không thiếu thứ gì", anh Nguyễn Minh Tâm vui vẻ nói.
Như để minh chứng cho tinh thần gắn kết tình quân dân, chị Trần Thị Châu Úc, người dân đang sống tại xã đảo Song Tử Tây nói: “Gia đình tôi được ở đảo 2 năm, những ngày mới đến còn bỡ ngỡ, chúng tôi đã được chỉ huy đảo tận tình chỉ bảo, từ cách sắp xếp các hộp đất trồng rau, thiết kế vườn phù hợp, đến cách tiết kiệm nước, chăm sóc trẻ nhỏ…Hiện gia đình tôi đã quen với cuộc sống trên đảo, trồng đủ rau ăn, con cái được đến trường học. Thời gian rảnh rỗi chúng tôi cũng tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như: trồng cây, hoa tạo cảnh quan, dọn dẹp vệ sinh, nuôi thêm gia cầm…”.
"Tai mắt" của Việt Nam trên Biển Đông
.jpg)
Với ngư dân trên biển, Trường Sa không chỉ là đảo, mà còn là nơi tìm đến mỗi khi gặp khó khăn, mắc nạn. Công tác cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu ngư dân đã và đang được triển khai thực hiện chặt chẽ tại đây với phương châm “Cứu giúp ngư dân như chính người thân của mình”. Đội ngũ y bác sỹ trên đảo luôn tận tình cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân, có những ca bệnh nặng, rất nặng nhưng đều được cấp cứu kịp thời và phối hợp đưa vào bờ điều trị an toàn, giúp ngư dân yên tâm bám biển, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.
Đại úy Nguyễn Xuân Cường, Bệnh xá Trưởng đảo Trường Sa chia sẻ, dù mới nhận công tác ở Bệnh xá đảo được khoảng 4 tháng nhưng anh đã tiến hành cấp cứu cho 20 ca bệnh, nhiều ca nặng vượt quá khả năng điều trị như: Sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, chấn thương sọ não, tổn thương, viêm tụy, hoại tử vết thương, dập nát bàn tay,… Nhớ như in ca bệnh của thuyền viên Vĩnh Văn Non (53 tuổi, trú tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bị máy xay đá cuốn bàn tay phải, gây thương tổn nghiêm trọng, chảy máu nhiều…có nguy cơ hoại tử, Đại úy Nguyễn Xuân Cường cùng kíp bác sĩ trực đã tiến hành chụp Xquang khu vực vết thương, xét nghiệm huyết học, sinh hóa cấp cứu; phẫu thuật xử lý vết thương phức tạp bằng cách khâu nối gân, cắt lọc, cầm máu, nẹp cố định xương gãy; giảm đau, giảm nề, chống viêm; tiến hành hội chẩn với Bệnh viện Quân y 175 tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó chỉ định hướng điều trị tiếp theo và giữ lại được bàn tay cho bệnh nhân.

Cũng ở đảo Trường Sa, có những thầy giáo ngày ngày lặng thầm "gieo chữ" cho các em nhỏ. Họ vừa là giáo viên, vừa là bảo mẫu, đồng thời là chiến sĩ góp phần canh giữ biển, đảo. Thầy giáo trẻ Cao Văn Truyền, Trường tiểu học Trường Sa, làm việc ở đảo đã được 2 năm và là người đã viết đơn tình nguyện ra thị trấn Trường Sa dạy học. Thầy Truyền cho biết, điểm đặc biệt của các lớp học ở Trường Sa là học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đều học chung một lớp. Thầy Truyền cùng đồng nghiệp đang đảm nhận dạy học cho 9 học sinh tiểu học và 3 cháu lớp mầm non.
Thầy giáo Cao Văn Truyền chia sẻ: "Hàng ngày, được tiếp xúc và giảng dạy những em học sinh trên đảo rất dễ thương, hồn nhiên giúp tôi quên đi những khó khăn, vất vả tại đảo. Điều đặc biệt là các cháu ở nhiều lứa tuổi khác nhau từ mầm non 3 tuổi và lớn nhất là lớp 5 nên tôi luôn phải thay đổi phương thức dạy học để làm sao cho hoàn toàn thống nhất với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Không chỉ ở đảo Trường Sa, trên các đảo khác như Sinh Tồn, Song Tử Tây… đều có những ngôi trường tiểu học khang trang. Dù số lượng học sinh mỗi lớp không nhiều, các em vẫn được tạo điều kiện học tập tốt nhất. Ngoài kiến thức trên lớp, các em còn được tham gia các hoạt động thể chất, hoạt động cộng đồng đầy ý nghĩa khác.

Giữa muôn trùng sóng gió, cuộc sống còn nhiều khó khăn, Trường Sa vẫn luôn sáng lên tinh thần bất tử, lớp lớp những người lính Hải quân nối tiếp nhau bảo vệ gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc để Trường Sa mãi là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, là phên giậu, "tai mắt" của Việt Nam trên Biển Đông.
Bài cuối: Hành trình phủ xanh Trường Sa