Mở đường cho hạ tầng chiến lược
Tháng 4/2025, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chính thức gửi UBND Tp.HCM nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác và hiện thực hóa những dự án hạ tầng giao thông mang tầm chiến lược.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề xuất Tp.HCM phối hợp triển khai 3 dự án cầu đường bộ kết nối giữa 2 địa phương: Cầu Cát Lái, Cầu Đồng Nai 2 và Cầu Phú Mỹ 2.

Dự án cầu Cát Lái thay thế bến phà Cát Lái hiện nay là một trong những công trình được kỳ vọng nhất.
Đây không chỉ là những công trình mang tính biểu tượng về mặt kỹ thuật mà còn là yếu tố then chốt góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực Đông Nam Bộ.
Dự án cầu Cát Lái thay thế bến phà Cát Lái hiện nay được kỳ vọng cao. Cầu có chiều dài hơn 11km, với phần cầu dài hơn 3km, nối đường Nguyễn Thị Định và cao tốc Bến Lức – Long Thành. Tổng mức đầu tư dự án hơn 19.300 tỷ đồng, trong đó 10.300 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng và đường nối sau trạm thu phí.

Việc xây dựng 3 cây cầu vượt sông Đồng Nai sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, giảm tải cho các tuyến đường hiện hữu.
Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị triển khai cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2, các công trình quan trọng đã được Tp.HCM thống nhất vị trí xây dựng.
Cầu Đồng Nai 2 nối Tp.Thủ Đức với huyện Long Thành, kinh phí dự kiến 6.400 tỷ đồng. Cầu Phú Mỹ 2 nối quận 7 với huyện Nhơn Trạch, tổng kinh phí 13.000 tỷ đồng. Mỗi cầu sẽ được chia thành các phần đầu tư giữa Tp.HCM và Đồng Nai.
Mở lối phát triển vùng
Công trình cầu Cát Lái đang nhận được sự quan tâm lớn từ người dân và các tài xế, đặc biệt là những người thường xuyên phải di chuyển qua bến phà Cát Lái.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Quốc Dũng (ngụ Nhơn Trạch, Đồng Nai) làm việc tại Tp.HCM cho biết: "Ngày nào tôi cũng phải qua phà Cát Lái đi làm, nhiều hôm đợi phà đến 20–30 phút, nhất là vào giờ cao điểm hoặc khi thời tiết xấu. Nếu có cầu Cát Lái, tôi tin rằng không chỉ tôi mà hàng ngàn lao động khác sẽ bớt được rất nhiều áp lực về thời gian. Mong dự án sớm triển khai để chúng tôi có thể di chuyển an toàn, nhanh chóng hơn".
Anh Nguyễn Văn Hải, tài xế xe tải chuyên chở hàng hóa từ TP.Thủ Đức sang KCN Long Thành (Đồng Nai), cũng chia sẻ: "Mỗi ngày tôi phải chạy vòng qua Quốc lộ 51, mất gần 2 tiếng đồng hồ cho quãng đường chưa tới 40km nếu kẹt xe, chưa kể tiền xăng dầu và phí cầu đường. Nếu có cầu Cát Lái hay cầu Phú Mỹ 2, thời gian đi lại sẽ rút ngắn ít nhất một nửa, tiết kiệm được rất nhiều chi phí và công sức. Với tụi tài xế chúng tôi, như vậy là quá quý rồi".

Phà Cát Lái vào giờ cao điểm.
Các dự án xây dựng cầu Cát Lái, cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2 không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn mở rộng không gian phát triển đô thị và công nghiệp giữa hai trung tâm kinh tế lớn.
Trong bối cảnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang cần đột phá về hạ tầng, việc phối hợp đầu tư giữa Đồng Nai và Tp.HCM là bước đi cần thiết.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để tăng cường kết nối giao thông, hai địa phương đã bàn bạc, thống nhất việc triển khai đầu tư xây dựng 3 cầu vượt sông Đồng Nai kết nối Đồng Nai với Tp.HCM gồm: cầu thay phà Cát Lái (cầu Cát Lái), Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2. Trong đó, cấp thiết nhất hiện nay là Dự án cầu Cát Lái.
Với dự án này, tỉnh Đồng Nai đề nghị Tp.HCM cân đối, bố trí nguồn ngân sách thành phố triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng phía Tp.HCM và xử lý nắn chỉnh tuyến đường Nguyễn Thị Định đoạn 336m sát bờ sông Đồng Nai để đảm bảo yếu tố kỹ thuật thiết kế cầu dây văng.
Về phía Đồng Nai, tỉnh sẽ bố trí vốn giải phóng mặt bằng và các thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai xây dựng cầu Cát Lái triển khai theo hình thức BOT. Đồng Nai mong muốn hai địa phương cố gắng, nỗ lực để khởi công dự án vào cuối năm 2025.
Đối với các cầu Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2, hai địa phương thống nhất tiếp tục rà soát cập nhật quy hoạch và nghiên cứu, cân đối vốn, lựa chọn hình thức đầu tư để triển khai thực hiện vào năm 2026.
Tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng các công trình trọng điểm giữa Đồng Nai và Tp.HCM, xây dựng quy chế, ban hành kế hoạch, xác định đường găng công việc từng dự án. Đồng thời, định kỳ hàng quý họp giao ban rà soát tiến độ và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai địa phương đã thống nhất chủ trương cần thiết đầu tư các dự án giao thông kết nối. Đồng thời, giao Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai phối hợp Sở Giao thông công chánh Tp.HCM rà soát, bổ sung bến bãi, kêu gọi và lựa chọn các nhà đầu tư tham gia khai thác các tuyến vận tải đường thủy nội địa kết nối giữa 2 địa phương.

