Tuyển sinh đại học năm 2023: Đừng chỉ căn cứ vào điểm số

23/07/2023 12:02

Thí sinh cần có lựa chọn thông minh, nên mạnh dạn đăng ký những nguyện vọng mình yêu thích, với những ngành học mà mình đam mê lên thứ tự đầu tiên.

Đăng ký nguyện vọng đại học, đừng chỉ căn cứ vào điểm số

Theo VOV thực tế có nhiều thí sinh thường căn cứ vào điểm số - tức là thấy mức điểm của mình phù hợp với khoảng trường nào, ngành nào thì sẽ đăng ký, trong khi bản thân lại không tìm hiểu kỹ các ngành, các trường đó, đến khi vào học thực tế lại thấy không phù hợp.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa học tại Hà Nội, phổ điểm năm nay cơ bản có sự ổn định so với năm 2022, tất nhiên vẫn có tăng giảm nhất định ở một số khối thi. Cụ thể phổ điểm khối A có phần giảm hơn một chút so với năm 2022. Hay khối C, A1 cũng có sự giảm nhẹ, trong khi đó khối B tăng nhẹ, khối D giữ tương đối ổn định. Sự tăng giảm này không quá nhiều.

Kỳ tuyển sinh đại học năm 2023, việc cộng điểm ưu tiên từ mốc 22,5 điểm sẽ bị giảm dần tuyến tính, nên những ngành học điểm chuẩn năm trước càng cao thì ảnh hưởng do sự giảm điểm ưu tiên theo đối tượng - khu vực càng nhiều. Vì vậy, nhìn trên phổ điểm cảm giác điểm chuẩn sẽ tăng, nhưng thực tế có thể lại giảm.

"Điều quan trọng nhất các em cần nắm bắt được là nguyên tắc để sắp xếp thứ tự nguyện vọng sao cho đảm bảo đúng nguyện vọng, nhu cầu của các em cũng như tính an toàn, chắc chắn. Còn sự tăng giảm của điểm chuẩn sẽ hơi khó để đánh giá một cách chi tiết. Từng ngành, từng trường có câu chuyện riêng và thí sinh không nên quá phụ thuộc vào phổ điểm", thầy Vũ Khắc Ngọc nói.

Lưu ý thí sinh về cách đăng ký nguyện vọng, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng, điều quan trọng trước tiên là thí sinh cần chọn được nhóm ngành phù hợp với năng lực. Đây là vấn đề quan trọng nhất. Thực tế có nhiều thí sinh thường căn cứ vào điểm số - tức là thấy mức điểm của mình phù hợp với khoảng trường nào, ngành nào thì sẽ đăng ký, trong khi bản thân lại không tìm hiểu kỹ các ngành, các trường đó, đến khi vào học thực tế lại thấy không phù hợp.

"Các em không nên chỉ căn cứ vào điểm số mà cần căn cứ thêm vào các yếu tố khác. Những yếu tố này phải xuất phát từ bản thân, các em cần hiểu, khi lựa chọn một ngành nghề, một môi trường để theo học thì hoàn toàn là chọn cho mình, bởi vì chính em sẽ là người đi học và thậm chí sau khi ra trường sẽ còn làm, còn gắn bó với công việc đó tới mấy chục năm mới nghỉ hưu. Các em cũng cần gạt bỏ những suy nghĩ cảm tính, ví dụ như thấy bạn bè nhiều người chọn ngành này nên mình cũng muốn chọn. Các em phải tìm hiểu để hiểu rõ bản thân", thầy Vũ Khắc Ngọc nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) lưu ý, thí sinh cần tìm hiểu kỹ tài liệu hướng dẫn và phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển.

Với thí sinh tham gia xét tuyển sớm và đã trúng tuyển có điều kiện, các cơ sở đào tạo có trách nhiệm cập nhật kết quả lên hệ thống để các em chủ động lựa chọn thứ tự nguyện vọng khi thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng nhưng cũng không nên đăng ký quá ít. Đặc biệt đừng bao giờ chỉ đặt duy nhất một nguyện vọng để tránh rủi ro.

Thí sinh cần có lựa chọn thông minh, nên mạnh dạn đăng ký những nguyện vọng mình yêu thích, với những ngành học mà mình đam mê lên thứ tự đầu tiên.

Việc này rất quan trọng vì sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các em sau này. Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, kể cả không nhập học, các em cũng không được xét tuyển tiếp các nguyện vọng 2, 3, 4…

Dự báo về điểm chuẩn đại học năm 2023, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa nhận định, dự vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, có thể thấy không có sự biến động quá nhiều so với năm 2022. Năm nay, các trường có nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, điểm thi tốt nghiệp THPT là một trong những phương thức đó. Nếu căn cứ quá nhiều vào phổ điểm, song số lượng chỉ tiêu bằng điểm thi tốt nghiệp THPT khác nhau giữa các trường, ngành thì chưa chắc phổ điểm đã ảnh hưởng lớn tới điểm chuẩn.

Giáo dục - Tuyển sinh đại học năm 2023: Đừng chỉ căn cứ vào điểm số

Đại diện Bộ GD&ĐT và các trường tham gia tư vấn cho thí sinh.

Những lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học

Từ 10/7 đến ngày 30/7, thí sinh chính thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học: Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ 10/7 đến ngày 30/7, thí sinh chính thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc tại Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường.

Năm nay, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh hình thức đăng ký xét tuyển, tạo thuận lợi cho thí sinh, nhằm tránh nhầm lẫn, bỏ sót. Cụ thể, thí sinh chỉ đăng ký theo mã tuyển sinh (trường, nhóm ngành, ngành hoặc chương trình), không cần đăng ký theo tổ hợp và mã phương thức xét tuyển. Hệ thống sẽ dựa trên dữ liệu điểm thi thí sinh có để xét tuyển.

Đặc biệt, với những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm vẫn phải tiếp tục đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT để được xử lý theo quy trình toàn quốc, từ đó mới có kết quả trúng tuyển cuối cùng. Nếu không đăng ký trên hệ thống, thí sinh được xem đã từ bỏ quyền trúng tuyển vào ngành, trường đó. Khi đã có tên trong danh sách đủ điều kiện trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm, được các cơ sở đào tạo đưa lên hệ thống, nếu thí sinh lựa chọn và muốn chắc chắn trúng tuyển ngành đó, thí sinh cần đăng ký ngành đó vào nguyện vọng 1.

Công bố điểm chuẩn trước 17h ngày 22/8: Thông tin trên Chính Phủ, từ ngày 12/8 đến 17h ngày 20/8, các cơ sở đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát dữ liệu trên hệ thống, sau đó tải dữ liệu, thông tin xét tuyển để tổ chức xét tuyển nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký.

Việc lọc ảo, xử lý nguyện vọng của thí sinh sẽ được thực hiện 6 lần trên hệ thống và kết thúc vào chiều 20/8.

Trước 17h ngày 22/8, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn đại học 2023 và kết quả xét tuyển: Năm nay, thí sinh cần lưu ý để nhận kết quả trúng tuyển và nhập học trên hệ thống theo đúng thời gian quy định.

Trước 17h ngày 6/9, tất cả các thí sinh trúng tuyển cần xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Nếu thí sinh không xác nhận nhập học sẽ phải đợi xét tuyển bổ sung vào các đợt xét tuyển tiếp theo của các trường đại học.

Đối với thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ GD&ĐT, từ ngày 5/7 đến 17h ngày 15/8, thí sinh có thể xác nhận nhập học trên hệ thống.

Những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được đăng ký nguyện vọng xét tuyển tiếp theo, trừ các trường hợp được Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.

Trong trường hợp chưa xác định nhập học, thí sinh có thể tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia như các thí sinh khác, nếu trúng tuyển, thí sinh sẽ xác nhận nhập học theo lịch chung.

Từ ngày 7/9 đến tháng 12/2023, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các trường.

Các cơ sở đào tạo phải báo cáo chính xác, đầy đủ kết quả tuyển sinh năm 2023 trên hệ thống trước 31/12/2023.

Theo thống kê, đến thời điểm này, toàn quốc có hơn 1 triệu thí sinh đã đăng ký dự thi. Hệ thống mới ghi nhận gần 390.000 thí sinh đăng kí xét tuyển (chiếm khoảng 37%). Trong đó có khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất.

“Không phải 100% các em tốt nghiệp THPT đều đăng ký xét tuyển đại học. Tuy nhiên, tỉ lệ này thấp so với những năm vừa qua. Con số theo các địa phương, nếu tính theo con số tuyệt đối, các thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nhất là ở Hà Nội và Tp.HCM”, bà Thuỷ cho biết.

Chia sẻ về việc có nhiều thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng đại điện Bộ GD&ĐT đưa ra lời khuyên thí sinh không nên đăng ký quá ít nguyện vọng vì có quá nhiều rủi ro xảy ra. Nhiều thí sinh đã trúng tuyển sớm, tự tin, đây cũng là chiến lược tốt. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu đề án của trường để có lựa chọn.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, vừa lãng phí nguồn lực, không sử dụng hết những nguyện vọng đó. “Tôi đã từng thấy thí sinh đăng kí hơn 100 nguyện vọng, điều này là không cần thiết mà phải có chiến lược phù hợp. Phân bổ chỉ tiêu vào các nhóm trường, ngành có sự cạnh tranh khác nhau. Không đổ dồn hết nguyện vọng vào 1 nhóm các trường top đầu. Thực hiện từ đầu đến cuối quy trình đăng nhập vào hệ thống, đảm bảo hệ thống đã ghi nhận những điều chỉnh, nguyện vọng đó”, bà Thuỷ cho biết.

Trúc Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Tuyển sinh đại học năm 2023: Đừng chỉ căn cứ vào điểm số" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).