Sinh năm 1982, người dân tộc Jrai, ông Djuk luôn tự ý thức về trách nhiệm với sự phát triển của cộng đồng. Mong muốn lớn nhất của ông là giúp đỡ người dân trong thôn có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Vì vậy, ông đã dành nhiều thời gian tham gia lớp học, chương trình phát triển kinh tế, chủ động áp dụng vào thực tế quản lý, sản xuất tại thôn.
Thôn Châm Aneh có 31ha lúa nước, 160ha cà phê và hơn 500 con gia súc. Nhờ việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất, đời sống người dân ngày càng cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người của thôn đã đạt trên 40 triệu đồng mỗi năm. Ông Djuk đã tích cực vận động bà con thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai các mô hình cải tạo vườn, trồng xen canh cây sầu riêng trong vườn cà phê, áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm và chăn nuôi heo nái sinh sản.
Câu chuyện của gia đình anh Byin (một hộ dân trong thôn) là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của những đổi mới trong sản xuất. Trước đây, gia đình anh chỉ có vườn cà phê nhỏ, thu nhập không ổn định. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của trưởng thôn Rơ Châm Djuk về cách chăm sóc cây trồng, tỉa cành, bón phân và tưới nước đúng kỹ thuật, vườn cà phê của nhà anh đã phát triển xanh tốt, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng trong năm 2024. Anh Byin cho biết, nhờ sự hỗ trợ trực tiếp và tận tình của trưởng thôn, người dân đã thay đổi cách làm và tư duy sản xuất cũng được cải thiện rõ rệt.
Bên cạnh phát triển kinh tế, ông Rơ Châm Djuk còn chủ động tham gia các phong trào thi đua yêu nước, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Ông đã tích cực tuyên truyền và vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp hệ thống giao thông, vệ sinh môi trường, các công trình công cộng. Nhờ sự phối hợp giữa chính quyền và nhân dân, nhiều công trình như nhà văn hóa, sân thể thao, đường giao thông nông thôn đã được xây dựng kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống giao thông nông thôn của thôn Châm Aneh được nhựa hóa và bê tông hóa trên 70%, tỷ lệ lao động có việc làm ổn định đạt 96%.
Ông Djuk cũng tham gia vận động nhân dân đóng góp đất đai, ngày công lao động và kinh phí để kiên cố hóa kênh mương nội đồng, xây dựng các công trình hạ tầng khác. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bà Trần Thị Út, Phó Chủ tịch UBND phường Chi Lăng đánh giá cao những nỗ lực của ông Rơ Châm Djuk trong việc thực hiện các cuộc vận động, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần tạo ra diện mạo mới cho thôn Châm Aneh về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ông Rơ Châm Djuk vừa được UBND phường Chi Lăng đề nghị UBND thành phố Pleiku tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn 2019 - 2024.