![Chú thích ảnh](https://cdnmedia.baotintuc.vn/Upload/991VEKdOUSwDl0N6n2Bw6w/files/2025/02/bthu.jpg)
Tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 1, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước được nhân dân, các cơ quan, Quốc hội đồng tình, ủng hộ, tổ chức triển khai rất nhanh, rất tốt, cho thấy đây là chủ trương rất đúng.
"Tôi cho rằng đây là điều người dân mong đợi lâu rồi, tinh gọn tổ chức bộ máy này, tiết kiệm tiền chỉ là một phần thôi, quan trọng hơn cả là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy, đưa đất nước phát triển lên. Đây là điều mong mỏi nhất", Tổng Bí thư phát biểu.
Cho rằng nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội còn chưa thực hiện đúng, hiệu quả, đạt được chỉ tiêu, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, Tổng Bí thư đặt vấn đề: Liệu có phải do tổ chức thực hiện?
Do đó, theo Tổng Bí thư, muốn đưa đất nước phát triển, cần thực hiện hai "nhiệm vụ rất quan trọng": Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi cùng với đời sống nhân dân được nâng cao, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao trên tất cả các mặt.
Để thực hiện hai nhiệm vụ này cần tinh gọn bộ máy nhà nước hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; phải xác định rõ, đúng chức năng nhiệm vụ đúng và có hiệu quả. Muốn vậy, Tổng Bí thư cho rằng, điều đầu tiên cần làm là tổ chức mô hình bộ máy nhà nước và có hệ thống pháp luật để toàn xã hội đồng lòng thực hiện; cùng với đó là bố trí đội ngũ cán bộ đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật...
Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết Trung ương các khóa đã nhận định bộ máy nhà nước hoạt động cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục khẳng định điều này. Do vậy, đến khóa XIII, Đảng tổng kết Nghị quyết số 18 và nhận thấy còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành. Đây là "thời cơ vàng" để tinh gọn bộ máy và trong quá trình thực hiện, Đảng, Nhà nước đã nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo kinh nghiệm các nước.
"Trong quá trình này, chúng tôi cũng nghiên cứu rất kỹ, từ lịch sử, hệ thống, kinh nghiệm các nước, các nước đều phải tính đến hiệu quả điều hành... Sự hài lòng của người dân phải được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí đánh giá hiệu năng, hiệu quả của bộ máy nhà nước, chính phủ, chính quyền", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
![Chú thích ảnh](https://cdnmedia.baotintuc.vn/Upload/SCmM7UuW1W36AlR4yUUKQ/files/2025/02/13/thao-luan-o-to-130225.jpg)
Tổng Bí thư cũng đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện hệ thống pháp luật và hành chính, toàn dân phải thực hiện, chứ không phải bố trí hệ thống luật pháp chỉ để cho bộ máy hoạt động, phù hợp với Chính phủ, Quốc hội, bộ này, bộ kia. Cùng với đó phải tính đến khả năng phối hợp, năng lực dữ liệu, năng lực thực thi chính sách, chất lượng bộ máy, khả năng quản lý ngân sách.
Theo Tổng Bí thư, mặc dù vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang được nâng cao nhưng năng lực cạnh tranh quốc gia vẫn còn thấp so với thế giới; nguy cơ tụt hậu của nước ta cũng được Đảng ta nhận diện từ sớm, trong đó nguy cơ tụt hậu là một trong bốn nguy cơ; nguy cơ này vẫn đang hiện hữu, thậm chí còn phức tạp hơn, vì các quốc gia trên thế giới đang phát triển nhanh.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề cập đến mục tiêu phát triển con người - động lực phát triển của đất nước, cần tính đến lợi ích của người dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân…
Tổng Bí thư nhấn mạnh, chỉ có đạt được mục tiêu tăng trưởng, mới có đủ tiềm lực để bảo vệ Tổ quốc, đủ điều kiện thực thi các chính sách của Đảng và Nhà nước. Có nhiều giải pháp đạt được mục tiêu tăng trưởng, nhưng bộ máy tổ chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu quan trọng. Tổ chức bộ máy nhà nước phải động viên được nhân dân tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước; cần xác định điểm nghẽn cản trở mục tiêu tăng trưởng hai con số trong khi tiềm năng của chúng ta rất lớn; cần nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân; thúc đẩy sự tham gia của xã hội vào quá trình nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính và củng cố nền dân chủ.