“Trong đó, việc hoàn thiện quy định pháp lý cho tiền điện tử tại Nghị định 52/CP sẽ góp phần ngăn ngừa, loại trừ các phương tiện thanh toán không hợp pháp do các tổ chức không được phép phát hành”, đại diện NHNN cho biết.
Nghị định 52/CP bổ sung một số quy định về tiền điện tử; trong đó, định nghĩa, làm rõ bản chất của tiền điện tử (Điều 3); quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán bao gồm ví điện tử, thẻ trả trước (Điều 6); đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm: Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cung ứng dịch vụ ví điện tử và thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng).
Theo NHNN, Nghị định mới sẽ hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền điện tử.
Đây là văn bản pháp lý quan trọng về lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, có ảnh hưởng rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan; góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt thanh toán không dùng tiền mặt; tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn với chi phí hợp lý.
Nghị định bao gồm 7 Chương, 38 Điều, trên cơ sở nguyên tắc phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; phù hợp với các cam kết, thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; bảo đảm tính khả thi, gắn với thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, hiện đại, khắc phục một số tồn tại, hạn chế tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP.
Một số nội dung chính sách lớn đã được thể chế hoá bằng quy định cụ thể tại Nghị định 52/CP như bổ sung quy định về thanh toán quốc tế nhằm nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động thanh toán quốc tế và đẩy mạnh các mô hình hợp tác cung ứng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới trong bối cảnh phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, cũng như hỗ trợ thanh toán đối với thương mại điện tử ngày càng gia tăng.
Theo NHNN, việc sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) để phù hợp nhu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cao hiệu quả vai trò quản lý Nhà nước trong hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT: Cắt giảm các dịch vụ TGTT cấp phép (loại bỏ 1 dịch vụ là dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử không thuộc phạm vi dịch vụ TGTT); cắt giảm thủ tục hành chính, rà soát các điều kiện kinh doanh; sửa đổi, bổ sung chi tiết và làm rõ các nội dung, quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp, thu hồi, cấp lại giấy phép làm căn cứ để quản lý và tổ chức triển khai.
Nghị định được NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tham mưu, trình Chính phủ ban hành theo quy định pháp luật. NHNN đang triển khai nhiều Thông tư hướng dẫn, trong đó có Thông tư về thẻ có nhiều điểm mới. Lần đầu tiên trong Nghị định 52/CP, Việt Nam đã định nghĩa rõ nét tiền điện tử. Thời gian tới sẽ không còn khái niệm “vụ án tiền điện tử” nữa. Vì tiền điện tử là tiền pháp định của Việt Nam, định nghĩa dưới một số dạng. Khi dùng tiền ảo, tài sản ảo sẽ dùng thuật ngữ khác, không dùng “tiền điện tử” nữa. NHNN đang tích cực triển khai Nghị định này. Hy vọng, Nghị định có hiệu lực sẽ thúc đẩy sẽ đảm bảo an ninh an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ thanh toán.