Ngày 27/5, UBND huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vải thiều sớm năm 2024.
Theo thống kể của UBND huyện Tân Yên, năm 2024 tổng diện tích sản xuất vải thiều trên địa bàn huyện là hơn 1,4 nghìn ha (tăng gần 100 ha so với năm trước), sản lượng ước đạt 15,5 nghìn tấn. Trong đó diện tích vải thiều sớm là 1.250 ha, sản lượng ước đạt 15 nghìn tấn.
Huyện tiếp tục duy trì 900 ha diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 455 ha. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ ngày 22/5, dự kiến kéo dài đến ngày 20/6/2024.
Năm 2024, dự kiến khoảng 7,8 nghìn tấn (chiếm 50,3% tổng sản lượng) vải thiều tiêu thụ tại thị trường nội địa; chủ yếu ở các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Sản lượng xuất khẩu dự kiến hơn 7 nghìn tấn (chiếm 49,7% tổng sản lượng) chủ yếu sang thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc. Với sự chủ động trong kết nối, mời gọi các doanh nghiệp ký liên kết tiêu thụ, đến nay, đã có khoảng 10 doanh nghiệp, đơn vị có kế hoạch ký hợp đồng tiêu thụ vải xuất khẩu với người trồng vải huyện Tân Yên.
Xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hoá kênh bán hàng
Phát biểu tại hội nghị, bà Lâm Thị Hương Thành – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh hiện đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu với diện tích hơn 17,1 nghìn ha, 39 cơ sở đóng gói quả vải thiều tươi xuất khẩu.
Dự báo sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm 2024 là 100 nghìn tấn. Vải thiều Bắc Giang đã đến với các thị trường ở hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó nhiều thị trường có yêu cầu khắt khe về chỉ tiêu chất lượng sản phẩm.
Bà Thành đề nghị UBND huyện Tân Yên tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn bà con thâm canh diện tích vải để giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Thực hiện đúng quy trình sản xuất, quản lý, bảo đảm chất lượng tốt nhất và an toàn từ khâu sản xuất, thu hái, lưu thông, tiêu thụ.
Ứng dụng công nghệ, tem truy xuất nguồn gốc; quản lý mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói đúng quy chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Chủ động kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường trên kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử. Khuyến khích người dân tham gia tiêu thụ trên nền tảng online, mạng xã hội. Chuẩn bị các điều kiện, tạo thuận lợi nhất cho người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều.
Đồng thời, gắn việc quảng bá các sản phẩm chủ lực của huyện như vùng vải, ổi lê, vú sữa, sâm núi Dành với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh trên địa bàn huyện và vùng lân cận. Tăng cường quảng bá, giới thiệu để nhiều người dân trong và ngoài tỉnh cũng như du khách nước ngoài đến tham quan, du lịch.
Giá bán vải thiều dự kiến tăng khoảng 40% trong năm 2024
Tại Hội nghị, diễn ra lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều năm 2024 giữa huyện Tân Yên và các doanh nghiệp đối tác trong việc cung ứng, tiêu thụ vải trên thị trường.
Đại diện cho các doanh nghiệp tiêu thụ, ông Jose Mestre - Giám đốc Thương mại Thực phẩm tươi sống (Tập đoàn Central Retail) chia sẻ nhằm đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều chín sớm, từ nhiều tháng qua, đội ngũ thu mua của Central Retail đã thường xuyên có mặt ở Bắc Giang để hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp của tỉnh về các điều kiện, thủ tục, giấy tờ đưa sản phẩm vải thiều và các nông sản chủ lực của tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị bán lẻ thực phẩm của Central Retail.
“Nhằm tạo thêm giá trị gia tăng cho trái vải, Central Retail giới thiệu đến người tiêu dùng các món ăn, thức uống được chế biến từ trái vải như: Bánh bông lan phần trái vải, trà vải đào, trà vải hạt sen,… Ngoài ra, Central Retail còn đẩy mạnh hợp tác với các trang thương mại điện tử và thông qua các app GO!, Big C, Tops Market để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều trên kênh online”, ông Jose Mestre nói.
Với hàng loạt chương trình kích cầu tiêu thụ vải, dự kiến, đại diện Central Retail dự kiến mùa vải thiều năm 2024, các siêu thị GO!, Tops Market, Mini Go! của Central Retail sẽ tiêu thụ khoảng 300 tấn vải, tương đương mùa vải năm 2023 do ảnh hưởng thời tiết bất thường, năm nay vải thiều mất mùa, sản lượng vải dự kiến giảm một nửa so với năm trước, giá bán dự kiến tăng khoảng 40%.
Kết thúc Hội nghị, các đại diện đã cắt băng xuất hành và chứng kiến đoàn xe khởi hành đưa các container vải thiều chín sớm đi tiêu thụ tại các thị trường trong và ngoài nước.
Hồng Nhung - Mạnh Quốc.