Thúc đẩy việc gìn giữ, học tập và sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

13/09/2023 20:30

(Chinhphu.vn) - Các hoạt động triển khai Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhận được sự hưởng ứng tích cực ở cả trong và ngoài nước, đa dạng về hình thức và nội dung, tạo được sân chơi, môi trường giao lưu cho bà con kiều bào.

Ngày 08/9, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo tổng kết triển khai Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) năm 2023.

Tham dự Hội thảo có bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN); ông Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương. 

Hội thảo còn có sự tham dự trực tiếp của gần 80 đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương có đông NVNONN; các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành về ngôn ngữ và văn hóa và nhiều giảng viên uy tín trực tiếp tham gia công tác giảng dạy tiếng Việt cho NVNONN; đại diện các cơ quan thống tấn báo chí.

Đặc biệt, Hội thảo kết nối trực tuyến tới các các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các hội đoàn, cơ sở dạy tiếng Việt của cộng đồng và đông đảo đại biểu kiều bào từ gần 50 điểm cầu tại nhiều quốc gia. Chương trình cũng được ghi hình và phát trực tiếp trên các nền tảng số của Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Truyền hình Quốc hội và báo Thế giới và Việt Nam.

Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá kết quả triển khai tổ chức các hoạt động liên quan đến Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2023 của các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan ở trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam và cộng đồng NVNONN; qua đó cổ vũ, khuyến khích bà con NVNONN học tập và sử dụng tiếng Việt. 

Đồng thời, Hội thảo cũng đề xuất phương hướng, biện pháp, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc trong cộng đồng NVNONN; tăng cường triển khai các hoạt động Tôn vinh tiếng Việt ý nghĩa cả trong nước và ngoài nước; từ đó thúc đẩy việc gìn giữ, học tập và sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng khẳng định song song với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, công tác tiếng Việt luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc, được khẳng định thành chủ trương nhất quán, xuyên suốt và nêu thành nhiệm vụ cụ thể trong các văn bản chỉ đạo về công tác đối với NVNONN như Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và mới đây nhất là Kết luận số 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới. 

Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2022 có thể coi là đột phá trong công tác này, sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của cộng đồng.

Năm 2023 là năm đầu tiên tổ chức triển khai Đề án, ghi dấu ấn với những hoạt động tôn vinh tiếng Việt được triển khai đồng bộ với quy mô rộng khắp ở cả trong và ngoài nước, với sự chung tay và tham gia tích cực của các ban, bộ, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và đặc biệt là của bà con ta ở nước ngoài, trở thành sự kiện thu hút cộng đồng NVNONN, tạo hiệu ứng lan tỏa các giá trị cao đẹp của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.

Công tác triển khai Kế hoạch Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được xúc tiến với sự tham gia của cộng đồng người Việt ta trên toàn thế giới với hoạt động cụ thể như: Xây dựng tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng (tại Áo, Slovakia, Hungary, Nhật Bản); Hành trình tìm kiếm và phong tặng danh hiệu Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023; Chương trình biểu diễn nghệ thuật Tiếng Việt thân thương; Hội thảo Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2023… 

Các hoạt động thường niên cũng được tổ chức như: Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt lần thứ 9 tại Hà Nội cho 60 giáo viên kiều bào về từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ; Trại hè Việt Nam với sự tham gia của 120 đại biểu về từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Nhiều diễn đàn, hội thảo về đổi mới công tác dạy và học tiếng Việt đã được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các đơn vị tổ chức.

Trong vòng 02 giờ diễn ra Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các ý kiến, trao đổi, từ đại diện các bộ, ngành, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; các chuyên gia đến từ Đại học Khoa học & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội; đại diện các cơ quan đại diện và kiều bào tại các địa bàn Hungary, Ba Lan, Úc, Lào, Nhật Bản. 

Các ý kiến, trao đổi tập trung vào tình hình triển khai các hoạt động tôn vinh tiếng Việt ở trong nước và tại các địa bàn trong năm 2023; thuận lợi và khó khăn trong hoạt động gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài và đề xuất các phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2024.

Năm 2023, các hoạt động triển khai Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN nhận được sự hưởng ứng tích cực ở cả trong và ngoài nước, đa dạng về hình thức và nội dung, tạo được sân chơi, môi trường giao lưu cho bà con kiều bào. 

Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan, các hoạt động đã và đang triển khai còn hạn chế về quy mô, địa bàn, đối tượng tham dự, chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu, mục đích đề ra. Việc huy động sự đóng góp, tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong hoàn cảnh hiện nay, nên không đảm bảo tính ổn định, chắc chắn trong cam kết thực hiện của các đối tác. 

Các đại biểu tham gia Hội thảo cũng chỉ ra nhiều khó khăn và thách thức thực tế ở ngoài nước như việc xây dựng giáo trình và đào tạo đội ngũ giáo viên tình nguyện giảng dạy tiếng Việt cần phải đa dạng, phù hợp với từng địa bàn, nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế… Đặc biệt, rào cản lớn nhất ngăn trở hoạt động dạy tiếng cho con em người Việt ở nước ngoài chính là thiếu động lực học tập.

Ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN đưa ra một số một số giải pháp, kiến nghị nhằm triển khai hiệu quả Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2024. 

Theo đó, các giải pháp tập trung giải quyết thách thức ở các nhóm vấn đề cốt lõi như tạo môi trường học tập hấp dẫn, phong phú về nội dung và hình thức để tạo nền tảng cho cộng đồng kết nối, chia sẻ và bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt, nhất là trong thế hệ trẻ NVNONN.

Đa dạng hoá, đổi mới các giáo trình học tiếng Việt trên cơ sở tận dụng các nền tảng kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ thông tin, kêu gọi sự chung tay, hỗ trợ về nguồn lực tài chính, sáng tạo của tri thức kiều bào trong cộng đồng NVNONN trên toàn thế giới để đáp ứng nhu cầu các nhóm đối tượng, địa bàn.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hình thức giảng dạy, đào tạo dạy và học tiếng Việt cho NVNONN cả về phương pháp giảng dạy, kiến thức tiếng Việt và văn hoá, lịch sử Việt Nam qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đồng thời tiếp tục duy trì việc tổ chức tập huấn trực tiếp tại địa bàn, có nghiên cứu điều chỉnh phù hợp với đặc điểm từng khu vực.

Tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, đăng phát thông tin trên nhiều nền tảng, kênh truyền thông để lan tỏa rộng rãi đến công chúng ở cả trong và ngoài nước về các hoạt động tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, qua đó tạo tác động tích cực, giúp lan toả tình yêu tiếng Việt, nâng cao hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

Diệp Anh


Bạn đang đọc bài viết "Thúc đẩy việc gìn giữ, học tập và sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).