Chiều 29/5, sau phần thảo luận kinh tế - xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.
Thu hẹp chênh lệch giá vàng là nhiệm vụ rất thách thức
Về thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, giá vàng tăng cao, biến động phức tạp cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới chứ không riêng ở Việt Nam.
Trong nước, giá vàng diễn biến phức tạp và diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế nới rộng, đặc biệt là vàng SJC.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và có nhiều chỉ đạo quyết liệt với Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành thực hiện chức năng theo quy định tại Nghị định 24/2012 để thu hẹp chênh lệch giá vàng.
"Để thu hẹp chênh lệch giá vàng là một nhiệm vụ rất thách thức. Bởi chúng ta thực hiện trong điều kiện giá vàng quốc tế liên tục biến động cao và phức tạp", bà Hồng nói và cho biết Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tăng cung vàng ra thị trường và thực hiện đấu thầu.
Việc kế thừa cách làm đấu thầu từ năm 2013 với kỳ vọng tăng cung vàng ra thị trường và giá cũng giảm dần. Tuy nhiên, qua 9 phiên đấu thầu thì chênh lệch giá giảm không được như kỳ vọng nên đã dừng đấu thầu.
Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá tình hình, tìm ra các nguyên nhân và xây dựng một phương án mới, bắt đầu triển khai trong tuần tới để giảm chênh lệch giá vàng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Thống đốc cũng đề cập tới việc minh bạch hóa các giao dịch của thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện mọi mặt từ hóa đơn, chứng từ, giao dịch phòng chống rửa tiền liên quan đến giao dịch về vàng.
Theo Thống đốc, trong thời gian vừa qua, những biến động trên thị trường vàng cũng không ngoại trừ những hành vi vi phạm pháp luật để đầu cơ, găm giữ, đẩy giá.
Về tỉ giá, theo bà Hồng, tỉ giá chịu áp lực tăng do diễn biến chung của các nước trên thế giới và khu vực. Bên cạnh đó, nhiều đồng tiền trong khu vực đang mất giá ở mức độ tương đối cao.
“Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong môi trường kinh tế biến động như vậy thì tỉ giá lúc tăng, lúc giảm là hết sức bình thường. Trong thời gian qua, nguồn ngoại tệ cung ứng chủ yếu cho nhu cầu nhập khẩu, sản xuất trong nước. Do đó, thời gian tới, sự phát triển quay trở lại của sản xuất cũng như tăng xuất khẩu sẽ hỗ trợ cho cung - cầu ngoại tệ”, bà Hồng nói.
Theo Thống đốc, lãi suất điều hành của Fed có thể điều chỉnh giảm lãi suất vào cuối năm. Nhiều dự báo cho thấy tỉ giá vào cuối năm sẽ hạ nhiệt.
Sẽ có phương án mới để bình ổn thị trường vàng
Phát biểu giải trình sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, thị trường vàng thế giới trong thời gian qua có xu hướng tăng nên thị trường trong nước cũng biến động tăng theo.
Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đối với vàng miếng SJC tăng cao. Từ tháng 6/2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao Ngân hàng Nhà nước.
Đến nay, Phó Thủ tướng Chính phủ thống kê đã có 25 văn bản, trong đó có những công cụ để can thiệp vào thị trường vàng, để bình ổn thị trường vàng và đồng thời thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.
Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tích cực triển khai một số giải pháp. Tuy nhiên, khi can thiệp vào thị trường vàng thì thấy hiệu quả chưa cao. Do vậy, về mặt ngắn hạn, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá lại và sẽ có những phương án mới để bình ổn thị trường vàng.
Về lâu dài thì cũng sẽ nghiên cứu là sửa đổi Nghị định 24 để làm sao chúng ta có giải pháp lâu dài.
“Trước mắt, chúng ta dùng công cụ mà thuộc quản lý Nhà nước là thanh tra, kiểm tra để đánh giá một cách “thực chất” hoạt động của thị trường vàng. Qua đó có những giải pháp để xử lý theo quy định pháp luật hiện hành, đưa thị trường vàng bình ổn theo tinh thần như các đại biểu mong muốn là giá vàng trong nước tiến sát với thị trường thế giới”, Phó Thủ tướng cho hay.