Tái xuất với dự án địa ốc nghìn tỷ, tiềm lực của Phương Trang Group ra sao?

08/01/2021 06:19

Là ông lớn hàng đầu trong lĩnh vực vận chuyển hành khách ở phía Nam, song Phương Trang của đại gia Nguyễn Hữu Luận còn là một tay chơi có vị thế trong mảng địa ốc, đặc biệt ở TP.HCM và Đà Nẵng.

 

 

 

Screen Shot 2021-01-07 at 10.44.24 AM

Ảnh: Internet

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng vào tháng 7/2020 đã có công văn chấp thuận cho CTCP Đầu tư Phương Trang đầu tư dự án khu phức hợp đô thị, thương mại cao tầng Phương Trang – khu C5b, khu E và khu F.

Dự án này thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu với tổng diện tích sử dụng đất là 266.418m2 và tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu trên 600 tỷ đồng (chiếm 15,01%); vốn huy động từ khách hàng thông qua hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là 618 tỷ đồng (chiếm 15,47%); vốn vay từ các tổ chức tín dụng là 2.780 tỷ đồng (chiếm 69,52%). Thời gian thực hiện dự án 50 năm kể từ ngày ban hành văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn CTCP Đầu tư Phương Trang (tên viết tắt Futa Corp) được thành lập vào ngày 12/2/2003 với vốn điều lệ ở mức 770 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Hữu Luận nắm giữ 98,66% VĐL. Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật tại đây là bà Nguyễn Thị Như Mai.

Bên cạnh việc nắm giữ phần lớn cổ phần tại Futa Corp, Chủ tịch Nguyễn Hữu Luận còn hiện diện và chi phối tại hầu hết công ty thành viên trong “hệ sinh thái”. Đầu tiên phải kể đến lĩnh vực vận tải với thương hiệu xe khách Phương Trang – mảng kinh doanh truyền thống của đại gia này.

Theo giới thiệu trên trang chủ, thương hiệu này được ra đời từ một doanh nghiệp nhỏ với số lượng đầu xe chỉ từ 5 đến 10 xe khách các loại. Hiện nay, hãng xe này đang phục vụ hơn 20 triệu lượt khách mỗi năm, sở hữu hơn 250 phòng vé, trạm chung chuyển, bến xe và phục vụ hơn 1.600 chuyến xe đường dài và liên tỉnh mỗi ngày.

Tuy là lĩnh vực hoạt động lõi từ ngày khởi nghiệp - cuối năm 2002, nhưng phải đến tháng 4/2013, CTCP Xe khách Phương Trang Futa BusLines (Futa BusLines) mới được thành lập, chính thức khu biệt mảng kinh doanh lõi này ra một pháp nhân riêng.

Tại ngày 3/11/2015, số vốn Futa BusLines ở mức 200 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm CTCP Taxi Phương Trang nắm giữ 40%, Nguyễn Hữu Luận (52,67%), Phạm Đăng Quan (5,83%) và Nguyễn Thị Ngọc Trinh (1,5%).

Cũng trong lĩnh vực vận tải, ngoài Futa BusLines thì còn có thêm 2 pháp nhân khác là CTCP Vận tải và Dịch vụ Du lịch Phương Trang (tên viết tắt Futatrans Corp) và CTCP Dịch vụ Chuyển phát nhanh Phương Trang Futa (Futa Express). Trong đó, Futa Express là đơn vị điều hành lĩnh vực chuyển phát nhanh với thương hiệu cùng tên, trụ sở hiện đặt tại quận 10 TP.HCM. Nên biết, Futa Express chính là công ty mẹ của CTCP Thương mại điện tử Vận Thông – đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe Vato – với tỷ lệ sở hữu đến 90% vốn. Futa từng tuyên bố sẽ đầu tư 2.000 tỷ đồng cho dự án gọi xe công nghệ đầy tham vọng này.

Sau thời gian dài hoạt động mạnh trong lĩnh vực vận tải hành khách chất lượng cao tại khu vực phía Nam, Futa Corp đã lấn sân sang mảng bất động sản với CTCP Bất động sản Phương Trang (Futa Land) vào tháng 8/2010.

Ở thời điểm mới thành lập, trao đổi với báo chí, ông Đặng Đình Tuấn, Tổng Giám đốc Futaland đã không ngần ngại cho biết chiến lược đầu tư của FutaLand là tập trung vào các phân khúc căn hộ trung và cao cấp, biệt thự, nhà phố, đất nền và trung tâm thương mại phức hợp. Nói là làm, thời điểm đó Phương Trang đã phối hợp với Địa ốc Hưng Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Thế giới Căn hộ cho ra mắt sàn giao dịch bất động sản Phương Trang - Hưng Hưng Thịnh - Thế giới Căn hộ tại 76-82 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM rất "hoành tráng".

Không dừng lại ở đó, FutaLand còn đầu tư vào hàng loạt bất động sản cao cấp khác tại TP.HCM như New Pearl (192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3) có giá bán thời điểm đó lên đến 90 triệu đồng/m2. Sau đó là hàng loạt các dự án như The Landmark City, quận 1 (4.261 m2), dự án Quang Thuận, quận Thủ Đức (1,2 ha), Golden Gate, quận 7 (1,9 ha).

Đáng chú ý nhất trong số đó là dự án căn hộ hạng sang New Pearl, vốn được xem là át chủ bài của Futaland trong kế hoạch phát triển bất động sản của doanh nghiệp này nhưng không thành công và phải bán lại. Năm 2013, Futaland đã phải chuyển nhượng dự án New Pearl cho Vạn Thịnh Phát với giá trị chuyển nhượng khoảng 20 triệu USD sau khi mới thi công đến tầng 2.

Đặc biệt, doanh nghiệp này còn sở hữu khối bất động sản khá lớn TP. Đà Nẵng, gồm dự án Han Riverview (1,4 ha) và Khu đô thị mới Futa Cove,  (120 ha), dự án An Cư 11 và dự án Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang – Vịnh Đà Nẵng (147ha).

Cần nhấn mạnh rằng khối bất động sản mà nhóm Futa Corp sở hữu thực tế còn lớn hơn nhiều và phần tài sản thế chấp tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) vào năm 2016 là sự thể hiện rõ nhất. Futa Corp thời điểm ấy đã tố cáo nhà băng này 'giam' lỏng khối tài sản thế chấp 14.500 tỷ đồng của mình, trong đó bất động sản chiếm tới 98% tương ứng 14.210 tỷ đồng.

Mới đây nhất vào tháng 5/2020, hệ sinh thái này xuất hiện thêm CTCP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang – Futa Group (Futa Group). Futa Group đăng ký hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ ở mức 500 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm FutaBusline (40%), Futa Corp (49%) và Phạm Đăng Quan (11%).

Ít ai biết Futa Corp còn hoạt động thêm cả lĩnh vực thực phẩm và nước giải khát với CTCP Thực phẩm và nước giải khát PTT. PTT được thành lập vào tháng 4/2018 với vốn điều lệ lên đến 1.000 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Futa Corp nắm giữ 60%, Lê Trung Thành 30% và Phan Văn Nguyên 10%. Tuy nhiên đến tháng 10/2018 công ty này đã bất ngờ giảm vốn điều lệ xuống còn 22,6 tỷ đồng. Cập nhật đến ngày 10/10/2019, PTT có vốn điều lệ 40 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Lê Trung Thành (SN 1971).

Screenshot (370)

Mô hình phát triển thành tập đoàn đa ngành là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn và như đã thấy, Phương Trang Group cũng không đứng ngoài cuộc. Dẫu vậy, việc đầu tư dàn trải trong bối cảnh kinh tế thay đổi, công tác quản trị doanh nghiệp dễ không theo kịp sự phát triển thì sai sót hoặc thua lỗ sẽ là hậu quả tất yếu.

Dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện, trong giai đoạn 2017-2019, Futa Corp (công ty mẹ) chỉ báo lãi một lần duy nhất vào năm 2019, các năm trước đó đều báo lỗ lớn, riêng 2017 lỗ thuần hơn 109 tỷ đồng. Pháp nhân đóng góp doanh thu chủ yếu cho cả hệ sinh thái của Futa Corp chính là Futa BusLines, riêng năm 2019 doanh thu thuần của Futa BusLines là hơn 2.156 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2018.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Futa đạt 15.549 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả cũng đã ở mức 15.152 tỷ đồng.

Về phần mình, doanh nhân sinh năm 1966 Nguyễn Hữu Luận còn là đại diện tại một loạt doanh nghiệp khác là CTCP Thương mại và Xây dựng Thành Hiếu, Công ty TNHH Nam Ôtô, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Phú Mỹ, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và xây dựng Trường Vĩ Nhà Bè và CTCP Bất động sản Phương Trang Long An.

Lưu ý rằng, vào cuối năm 2010, Nguyễn Hữu Luận là cá nhân xuất hiện trong danh sách cổ đông của CTCP Sơn Trà Điện Ngọc, pháp nhân nhận chuyển nhượng 6 lô đất vàng tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng đã từng được Nhadautu.vn đề cập. Đến năm 2018, doanh nhân Nguyễn Hữu Luận cũng được nhắc đến nhiều trong vụ tranh chấp tài sản là chiếc ôtô Maybach giữa bà Hứa Thị Phấn và nhóm Phương Trang.

Screen Shot 2021-01-07 at 10.41.13 AM

Bạn đang đọc bài viết "Tái xuất với dự án địa ốc nghìn tỷ, tiềm lực của Phương Trang Group ra sao?" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).