SSI Research: Nhu cầu thép nội địa dự báo sẽ tăng 10% trong năm 2025

02/01/2025 11:00

Nhu cầu thép nội địa sẽ tăng 10% trong năm 2025, khi thị trường bất động sản đã có sự phục hồi mạnh trong năm 2024 (số lượng căn mở bán mới đã tăng gấp đôi so với năm 2023).

Theo báo cáo triển vọng ngành thép năm 2025 với tiêu đề "Động lực tăng trưởng chính đến từ kênh nội địa", các chuyên gia của SSI Research nhận định, nhu cầu nội địa có thể duy trì tăng trưởng ổn định trong thời gian tới, trong khi xuất khẩu có thể chậm lại.

Cụ thể, nhu cầu thép nội địa sẽ tăng 10% trong năm 2025, khi thị trường bất động sản đã có sự phục hồi mạnh trong năm 2024 (số lượng căn mở bán mới đã tăng gấp đôi so với năm 2023).

Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối của nhiệm kỳ 2021-2025 cũng sẽ giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu có thể chậm lại do sự gia tăng các rào cản thuế trên toàn cầu.

SSI Research: Nhu cầu thép nội địa dự báo sẽ tăng 10% trong năm 2025 - Ảnh 1

Các dự án hạ tầng lớn trong dài hạn bao gồm các tuyến cao tốc (cả Bắc Nam, và cả Đông - Tây để kết nối tốt hơn), các sân bay và cảng biển (như Cần Giờ ở TP.HCM và cảng Nam Đồ Sơn ở Hải Phòng), và đường sắt.

Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi 1,2% trong năm 2025 sau khi giảm 0,9% trong năm 2024. Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính, như Châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN, dự kiến sẽ tăng từ 2% đến 3,5% so với cùng kỳ do kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu.

Tuy nhiên, xuất khẩu thép có thể đối mặt với nhiều áp lực hơn từ chính sách bảo hộ trên toàn cầu. Một trong những vụ việc đáng chú ý là cuộc điều tra chống bán phá giá của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đối với thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ Việt Nam, cùng với 9 quốc gia khác. Hoa Kỳ chiếm 14,4% xuất khẩu thép của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024, đứng sau Châu Âu (22,4%) và ASEAN (25,2%).

Sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng 22,6% so với cùng kỳ lên 101,15 triệu tấn trong 11 tháng năm 2024 sau khi tăng 36% trong năm 2023.

Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm thêm 1% trong năm 2025, sau khi giảm 3% trong năm 2024. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất tại Trung Quốc trong 11 tháng 2024 đã giảm 2,7% so với cùng kỳ xuống còn 929 triệu tấn và dự kiến sẽ giảm thêm 1,3% so với cùng kỳ trong năm 2025.

Điều này có thể làm giảm 9% sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc so với năm 2024, theo Mysteel. Ngoài ra, áp lực từ thép nhập khẩu tại thị trường nội địa có thể giảm bớt nhờ khả năng tăng cường hàng rào thuế quan đối với một số mặt hàng thép dẹt nhập khẩu.

SSI Research: Nhu cầu thép nội địa dự báo sẽ tăng 10% trong năm 2025 - Ảnh 2

Áp lực từ thép nhập khẩu có thể giảm bớt nhờ các biện pháp bảo hộ

Sản lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2024 tăng mạnh 33% svck lên 16,17 triệu tấn, trong đó sản lượng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt 48,4% svck và chiếm 68% tổng sản lượng nhập khẩu.

Sản lượng nhập khẩu thép mạ kẽm chiếm 26,7% sản lượng nội địa và tương đương 15% sản lượng sản xuất toàn ngành trong 10 tháng năm 2024. Sản lượng HRC nhập khẩu chiếm 75% sản lượng nội địa và tương đương 182% sản lượng sản xuất toàn ngành trong cùng kỳ.

Sang năm 2025, chúng tôi kỳ vọng áp lực cạnh tranh sẽ dịu bớt nếu Việt Nam có thể áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ hơn. Bộ Công Thương đã khởi động cuộc điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào tháng 6, và HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vào tháng 7.  Các chuyên gia của SSI Research nhận định rằng, kết quả cuối cùng của cuộc điều tra này sẽ được công bố vào giữa năm 2025, nhưng có thể có những biện pháp tạm thời được đưa ra trước đó.

SSI Research: Nhu cầu thép nội địa dự báo sẽ tăng 10% trong năm 2025 - Ảnh 3

Lợi nhuận có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng tích cực nhưng với tốc độ chậm hơn

SSI cho rằng, các công ty thép sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2025.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của thị trường bất động sản, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và các chính sách bảo hộ. Ngoài ra, thép xây dựng và HRC ít phụ thuộc vào xuất khẩu khi tỷ trọng xuất khẩu lần lượt là 20% và 35% tổng sản lượng trong 11 tháng năm 2024, so với mức 56% đối với thép mạ kẽm.

Bạn đang đọc bài viết "SSI Research: Nhu cầu thép nội địa dự báo sẽ tăng 10% trong năm 2025" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).