DNCS- Ngày 25/7/2019, UBND tỉnh Bình Dương ra văn bản số 3635 để thu hồi văn bản 3457 của đơn vị này đã ban hành trước đó 10 ngày. Lý do thu hồi được đưa ra là căn cứ vào kiến nghị của Sở TNMT tỉnh này.
Theo đó, văn bản số 3635 ghi rõ “qua xem xét kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TNMT) tại văn bản số 3657 về việc kiến nghị thu hồi công văn số 3457 (liên quan khu đất công ích thuộc dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4), UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định thu hồi Công văn 3457 này.
Nội dung công văn 3457 là chấp thuận chủ trương thu hồi diện tích hơn 7500m2 đất trồng cây lâu năm thuộc quỹ đất công ích do UBND P.Mỹ Phước quản lý. Thu hồi để giao cho Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Thuận Lợi thực hiện dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4.
Kiến nghị cấp rồi kiến nghị thu hồi đều do Sở TNMT tỉnh Bình Dương thực hiện
Văn bản thu hồi đất công ích và giao cho doanh nghiệp (văn bản 3457) và văn bản thu hồi văn bản 3457 đều do Phó Chủ tịch Mai Hùng Dũng ký và đều căn cứ vào kiến nghị của Sở TNMT tỉnh Bình Dương. Hai văn bản này chỉ ban hành cách nhau 10 ngày.
Đáng chú ý, kiến nghị thu hồi văn bản 3457 lại được Sở TNMT tỉnh Bình Dương căn cứ vào “phản ánh của báo chí”! Vậy phải chăng vì báo chí phản ánh nên Sở này phải ra văn bản kiến nghị?
Được biết, phần đất công nói trên chỉ là 1 phần nhỏ nằm trong tổng thể dự án Mỹ Phước 4. Trãi qua gần 10 năm “trùm mền” do chủ đầu tư cũ thiếu năng lực, nợ nần dự án được bán đấu giá và công ty Thuận Lợi trúng đấu giá.
Ngay khi tiếp nhận dự án (năm 2015), công ty Thuận Lợi đã tập trung triển khai đầu tư nhằm vực dậy dự án trọng điểm này trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Và tất nhiên, quá trình triển khai dự án, chắc chắn Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương phải theo dõi sát sao về cơ sở pháp lý, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Ngay chính văn bản kiến nghị của Sở TNMT tỉnh Bình Dương cũng nêu rõ: “Theo kết quả rà soát của công ty Thuận Lợi, tại KDC Mỹ Phước 4 vẫn còn diện tích 7.551m2 đất công ty chưa lập thủ tục xin giao đất, thuê đất”.
Phải chăng vì phản ánh của báo chí nên Sở TNMT tỉnh Bình Dương thay đổi chính kiến của mình?
Như vậy, việc đất công ích đã được cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương xem xét trong thời gian dài để đi đến quyết định chấp thuận giao cho công ty Thuận Lợi và công ty này có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất này.
Theo bản đồ dự án, vị trí đất công nói trên nằm trong tổng thể dự án đã được phê duyệt. Nếu khu đất này được “bốc” ra và bán đấu giá thì chỉ là làm khó doanh nghiệp bởi lẽ nó chỉ tiếp giáp với đường nội bộ do chính Thuận Lợi đầu tư cơ sở hạ tầng.
Ở một diễn biến khác, trong văn bản kiến nghị của Sở TNMT tỉnh Bình Dương cũng thể hiện việc công ty Thuận Lợi có văn bản kiến nghị phương án giải quyết đất công ích vào tháng 4/2019. Sau 3 tháng xem xét, UBND tỉnh mới chấp thuận. Thế nhưng chỉ sau 10 ngày chấp thuận, Sở TNMT lại thay đổi chính kiến nghị của mình. Vậy, liệu 10 ngày đó, Sở TNMT đã xem xét thấu đáo?
Trao đổi với PV, đại diện Công ty Thuận Lợi cho biết: “Tạm tính khu đất đó tròn 7.600m2, và tạm bỏ qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng thì cao nhất ở đó được 76 nền. Tạm tính tiếp 1 tỷ/nền thì có phải rằng 76 tỷ? Đó là con số cao nhất có thể. Thế nhưng, chúng tôi đã đầu tư hơn 100 tỷ cho các công trình phúc lợi trong tỉnh, chi trả hơn 13 tỷ tiền nợ thuế trước đó của Chủ đầu tư cũ. Vậy phải chăng chúng tôi trục lợi về cho mình?”
“Việc lên phương án xử lý đất công ích nói trên diễn ra trong thời gian dài. Bản thân Thuận Lợi cũng đã thực hiện đầy đủ và thậm chí vượt nghĩa vụ của mình. Công ty chỉ thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Không có chuyện “tự ý” như một số trang tin đã đưa”.
Theo: Thế Mỹ/baosuckhoecongdong.vn