Còn nhiều thủ tục nặng nề, nan giải
Phát biểu tại Phiên thảo luận, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, các thủ tục về GPMB của các dự án về nhà ở rất dài, như ông đang phụ trách một dự án kéo dài đến 20 năm.
Ông Hiệp đề nghị các bộ, ngành cần tham vấn, lắng nghe ý kiến của DN khi xây dựng pháp luật của các doanh nghiệp, những quy định về TTHC về GPMB rất phức tạp, khó khăn, có những dự án phải cần từ 38-40 con dấu, chữ ký, thủ tục như "mê hồn trận", đã khiến nhiều DN nước ngoài không dám tự mình vào làm mà phải liên doanh, liên kết với một DN trong nước thì mới có thể thực hiện dự án đầu tư.
Trả lời câu hỏi bất cập nào lớn nhất cần tháo gỡ? Ông Hiệp cho rằng, thực tế cho thấy dự án BĐS nào cũng phải điều chỉnh vì nhiều lý do nhưng thủ tục điều chỉnh quy hoạch rất nhiều vướng mắc dù việc điều chỉnh rất nhỏ như vướng một cái cống của dự án mà thôi nhưng phải qua rất nhiều cấp, ngành thông qua, cho ý kiến.
Về TTHC, ông Hiệp kiến nghị nên có quy trình kiểm tra, giám sát việc giải quyết một TTHC như thời gian, quy trình, diễn biến của TTHC bởi có những loại TTHC như cấp chủ trương đầu tư dài đến 6 tháng, cần làm rõ tại sao lâu như thế?
Bên cạnh đó, cần giao cho DN nhiều sự chủ động đối với các vấn đề tiểu tiết, Nhà nước chỉ quản lý những vấn đề lớn mà thôi.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tính cấp thiết hiện nay là các bộ, ngành cần tập trung giải quyết là bài toán cải cách TTHC, những rào cản và vướng mắc pháp lý rất cấp thiết tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Về câu chuyện quy hoạch, bà Thủy cho rằng: DN mong muốn phân loại mức độ ưu tiên của dự án để giải quyết TTHC nhanh hơn, tạo thời cơ cho DN, đồng thời mong mỏi được các cơ quan chức năng lắng nghe, tiếp thu hoặc giải trình trong quá trình xây dựng pháp luật như Luật và các văn bản hướng dẫn như Nghị định, Thông tư…
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết, vướng mắc về thủ tục hành chính luôn nằm trong top 3 vướng mắc doanh nghiệp gặp phải, theo khảo sát mới đây, vướng mắc này đã trở thành vấn đề đứng thứ 2. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề này, nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài, vì vậy cần tập trung cao độ để giải quyết "bài toán" liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và câu chuyện minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư.
"Quy hoạch là vấn đề lớn, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Quy trình mỗi lần điều chỉnh liên quan nhiều sở, ngành, kéo dài quy trình nên chúng ta nên tinh gọn đầu mối, như vậy sẽ phần nào giải quyết vướng mắc hiện nay liên quan đến quy hoạch", bà Thủy nhận định.
Cắt giảm nhiều thủ tục cho dự án đầu tư 'luồng xanh'
Liên quan tới những đề xuất này, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, dự án nhà ở là loại dự án liên ngành, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật. Qua quá trình tổng kết việc thực hiện Luật Nhà ở 2014, Bộ Xây dựng đã nhận diện các vấn đề pháp lý doanh nghiệp còn vướng mắc; qua đó tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Nhà ở năm 2023. Trong đó giao Chính phủ quy định các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Nghị định 95/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở và Nghị định 100/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để hướng dẫn cụ thể việc thực hiện từng giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nhìn chung, các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng đã được giảm bớt, giảm áp lực cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đầu tư.
Trao đổi tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Việc đơn giản hóa và cắt giảm TTHC để tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư kinh doanh là nguyên tắc và chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường. Mới đây nhất, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tổng hợp vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bích Ngọc thông tin: Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét khả năng chấp thuận các dự án đầu tư "luồng xanh" như các dự án đã có sẵn quy hoạch, dự án công nghệ cao, dự án chíp bán dẫn… sẽ được thực hiện quy trình đặc biệt với việc giảm rất nhiều trình tự, thủ tục của một dự án đầu tư thông thường mà được thực hiện theo hướng tiếp cận từ "tiền kiểm sang hậu kiểm" với sự cam kết của nhà đầu tư đối với các dự án này.
Lê Sơn