Sẵn sàng lực lượng, chủ động triển khai các phương án hộ đê

11/09/2024 00:02

Chiều 10/9, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống ngập úng do mưa lớn trên địa bàn xã Mỹ Tân, thành phố Nam Định.

Chú thích ảnh Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc cùng đoàn công tác kiểm tra làm kè chống tràn tại xã Mỹ Tân, thành phố Nam Định. Ảnh: Công Luật/TTXVN

Nam Định: Chủ động di dời dân sinh sống ngoài đê vào nơi an toàn

Chiều 10/9, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống ngập úng do mưa lớn trên địa bàn xã Mỹ Tân, thành phố Nam Định.

Sau khi nghe địa phương báo cáo tình hình mưa lũ trên trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định chỉ đạo, UBND xã Mỹ Tân cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu những nguy hiểm của thiên tai để người dân sống ngoài đê chủ động di chuyển đến nơi an toàn khi mực nước sông dâng cao; chuẩn bị kỹ các phương án di dân ngoài đê vào nơi an toàn, bố trí lực lượng trực 24/24 khi nước sông dâng lên theo từng cấp độ sẽ chủ động sơ tán dân, trước mắt địa phương cần sơ tán người già, trẻ nhỏ, người yếu thế vào khu vực trong đê trước 18 giờ.

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định lưu ý địa phương cần chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết cấp phát cho người dân tại các địa điểm sơ tán, để người dân yên tâm, chủ động lực lượng, phương tiện triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống ngập, úng theo phương châm 4 tại chỗ với mục tiêu cao nhất là đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của nhân dân.

Chú thích ảnh Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình phòng, chống mưa bão tại Trạm bơm Quán Chuột, thành phố Nam Định. Ảnh: Công Luật/TTXVN

Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân Nguyễn Hữu Lệ cho biết, trên địa bàn có 1.790 hộ với gần 6.000 nhân khẩu thuộc diện phải di dời trong đợt 1; trong đó, có 713 trẻ em dưới 14 tuổi, 938 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên. Xã đã bố trí các trường học, trạm y tế, nhà văn hóa là địa điểm để người dân đến tránh trú, ngoài ra địa phương cũng sẽ bảo đảm cung cấp đầy đủ thực phẩm, nước uống và các điều kiện sinh hoạt cần thiết cũng như đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong thời gian phải di dời.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, trong đêm ngày 9 và rạng sáng ngày 10/9 do ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn kéo dài với lượng mưa đo được khoảng 270mm; dự báo trong một vài ngày tới, trên địa bàn tỉnh còn có mưa lớn với lượng mưa khoảng 200-270mm. Mưa lớn kéo dài cùng với các hồ thủy điện xả lũ đã làm mực nước trên các sông dâng cao.

Chú thích ảnh Lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Nam Định dùng xe chuyên dụng đưa người dân và phương tiện qua điểm ngập lụt tại khu vực chân cầu Đò Quan. Ảnh: Công Luật/TTXVN

Tại huyện Ý Yên, nước lũ trên sông Đáy dâng cao đã có hiện tượng thẩm lậu đê tại xã Yên Bằng, địa phương đã huy động lực lượng, vật tư tại chỗ xử lý xong giờ đầu. Tại huyện Nam Trực, lũ trên các sông Hồng, sông Đào dâng cao, huyện đã thực hiện di dời 100 người dân đang sinh sống tại các bối vào điểm trú ẩn an toàn. Còn tại thành phố Nam Định, ngay trong đêm 9/9 đã thực hiện di dời các hộ dân sinh sống trên các tầng 2, 3 khu nhà ở nguy hiểm trên đường Hoàng Văn Thụ về nơi an toàn.

Để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản, tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát dân cư sinh sống, hoạt động tại bãi sông; chủ động di dân vùng nguy hiểm, vùng sạt lở, vùng bãi, bối không đảm bảo tuyệt đối an toàn vào nơi an toàn, nhất là các khu vực vùng nguy hiểm như: bối Phương Định, thuộc huyện Trực Ninh; bối Yên Bằng, Yên Trị thuộc huyện Ý Yên; bối Hồng Long tại xã Mỹ Tân, thuộc thành phố Nam Định; bối Nam Thắng, An Tùy thuộc huyện Nam Trực.

Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm 4 tại chỗ khi có tình huống xảy ra; tổ chức lực lượng và thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều; huy động phương tiện, vật tư tiêu úng cứu lúa, cây hoa màu.

Bắc Kạn: Mực nước lũ đang ở mức báo động

Theo báo cáo của văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn, do chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 3, các khu vực trong tỉnh Bắc Kạn từ chiều 6/9 đến sáng 10/9 có mưa to đến rất to trên diện rộng, từ ngày 8/9 trên các triền sông suối đã có lũ lớn với biên độ từ 3-9m, trên sông Cầu, sông Năng lũ đã đạt trên báo động cấp 3, thời điểm hiện tại mực nước lũ trên các triền sông suối dưới báo động cấp 1. Riêng tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn lũ vẫn trên báo động cấp 3.

Mưa lũ đã gây thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp, công trình cơ sở hạ tầng. Tính đến 15 giờ ngày 10/9, tỉnh Bắc Kạn có 2 người bị thương nhẹ do cột nhà đổ vào người tại xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn.

Chú thích ảnh Sáng 9/9, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ hai gia đình bị thiệt hại về nhà ở. Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN

Theo thống kê Bắc Kạn đã có 1.475 nhà bị tốc mái, sạt lở, ngập nước (Bạch Thông 152 nhà, Ngân Sơn 35 nhà, Chợ Mới 134 nhà, Ba Bể 420 nhà, Na Rì 142 nhà, thành phố Bắc Kạn 39 nhà, Chợ Đồn 494 nhà, Pác Nặm 59 nhà). Trong đó có 139 nhà phải di dời khẩn cấp do sạt lở đất (Na Rì 19 nhà, Ba Bể 18 nhà, Bạch Thông 27 nhà, Chợ Đồn 75 nhà); 14 nhà bị cô lập do nước lũ tại huyện Na Rì; 8 nhà sập hoàn toàn, 319 nhà bị ngập nước (trong đó có 273 nhà phải di dời đến nơi an toàn).

Ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã làm thiệt hại 1.434,01 ha về nông nghiệp, hư hỏng 44 chuồng trại. Về giao thông đã xảy ra sạt lở tại Quốc lộ với 9 vị trí có khối lượng khoảng 2.690 m3; tỉnh lộ bị sạt lở khoảng 190.000 m3 tại trên 25 điểm sạt lở. Đường giao thông nông thôn bị sạt taluy dương 197 vị trí với khoảng 17.425 m3 đất, đá, nhiều điểm sạt lở chưa ước tính được thiệt hại... Về thủy lợi đã có 48 công trình thủy lợi bị sạt lở, vùi lấp, xói lở, 160 m kè bị sạt lở; 4 công trình nước sạch bị hư hỏng.
Ngoài ra tỉnh Bắc Kạn cũng bị ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp tại xã Nam Mẫu, xã Khang Ninh của huyện Ba Bể và xã Nam Cường của huyện Chợ Đồn. Ước tính sơ bộ tổng thiệt hại khoảng 162 tỷ đồng.

Chú thích ảnh Lực lượng chức năng giúp người dân khắc phục thiệt hại. Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN

Ngay khi xảy ra mưa lũ, UBND tỉnh Bắc Kạn đã thành lập các đoàn tổ chức đi kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên các huyện, thành phố trong tỉnh. Các cấp chính quyền đã huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục các hư hỏng về nhà ở, di dời khẩn cấp đến nơi an toàn đối với nhà bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở cao; đảm bảo thông đường bước 1 đối với các vị trí bị sạt lở, hiện tại đã thông đường đối với các vị trí sạt lở ta luy dương, cây đổ.

Do thiệt hại của các địa phương tại tỉnh Bắc Kạn là tương đối lớn, tỉnh Bắc Kạn đề nghị Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do thiên tai.

Hưng Yên phát lệnh báo động II trên tuyến đê tả sông Hồng

Lúc 18 giờ ngày 10/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên đã ban hành công điện hỏa tốc gửi các sở, ngành và các địa phương về việc phát lệnh báo động II trên tuyến đê tả sông Hồng.

Chú thích ảnh Mực nước sông Hồng, tại thành phố Hưng Yên lên cao. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Theo đó, mực nước trên sông Hồng vào lúc 17 giờ ngày 10/9, tại trạm thủy văn Hưng Yên là 6,46m (trên báo động II là 16cm) và tiếp tục lên. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, thành phố Hưng Yên và các sở, ngành thực hiện việc canh gác đê theo cấp báo động; tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc canh gác đê của địa phương; kiểm tra, rà soát và chuẩn bị các loại vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương án hộ đê, phòng chống thiên tai của địa phương và của ngành.

Chú thích ảnh Các ngành chức năng huyện Văn Giang giúp nhân dân di dời hoa, cây cảnh do mưa, lũ. Ảnh: TTXVN phát

Các địa phương triển khai các biện pháp phòng tránh lũ; kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nhất là các khu vực dân cư ngoài bãi sông phải có biện pháp chủ động để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; thường xuyên kiểm tra rà soát đảm bảo an toàn kịp thời các tuyến đê bối. Đồng thời, tiếp tục thông báo cho người dân khẩn trương, kịp thời thu hoạch hoa màu, thủy sản ở ven sông những nơi có khả năng ngập lụt; chủ động, sẵn sàng và triển khai phương án sơ tán dân ngoài vùng bãi sông khi có ngập lụt xảy ra theo phương án của địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương cấm các loại xe cơ giới đi trên đê (trừ xe có giấy phép, xe ưu tiên theo quy định), các bến đò dọc, ngang hoạt động; cảnh báo người dân không đi lại ven sông, nhất là vùng có nguy cơ sạt lở và không được đánh bắt thủy sản trên sông. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công liên quan đến an toàn đê điều, chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực và hoàn thiện các công trình đang thi công dở dang hoặc có biện pháp gia cố đảm bảo an toàn chống lũ.

Bạn đang đọc bài viết "Sẵn sàng lực lượng, chủ động triển khai các phương án hộ đê" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).