Nỗi khổ loa ngoài

09/08/2024 08:11

Dân ta, nói thật, có phong cách rất nổi bật là nói chuyện điện thoại rất to, cả xóm nghe và biết anh ấy có điện thoại, ra nước ngoài vẫn thế.

Sáng qua tôi đi ăn sáng. Bàn bên cạnh 3 ông để 3 cái điện thoại trên bàn, vừa xì xụp ăn vừa... nói chuyện. Vấn đề là các ông ấy nói bằng video call. Một ông nói với mẹ, một ông với vợ và một ông với con. Cứ oang oang, cả quán nghe chuyện nhà các ông ấy.

Chưa hết, gần xong thì có một ông ngồi vào bàn tôi, đối diện, và ông ấy đang xem dở đoạn clip về sư Minh Tuệ đi khất thực. Lại cũng vừa ăn vừa xem.

Phải công nhận một điều là, cái anh zalo và facebook ấy, có chế độ video call, cả gọi tập thể nữa, cùng một lúc nói chuyện với nhiều người, và nhiều nơi, tiện vô cùng. 

Và nữa, nó miễn phí điện thoại, tất nhiên là phải có kết nối wifi hoặc 4G, một cách trả tiền khác, nhưng rẻ hơn rất nhiều.

Nó là một bước tiến dài của văn minh, phục vụ con người tới tận... miệng. Và tai. Và mắt.

Hôm nọ thấy trên một chương trình truyền hình thực tế, để hỏi ý kiến ba mẹ ở nước ngoài về anh con rể tương lai, người chơi cũng gọi Video call...

Tóm lại là, tiện đủ bề. Hiện đại đủ bề.

Nhưng, vâng, vẫn phải nhưng, cũng phiền toái đủ bề.

Anh bạn tôi có tí bệnh phải nhập viện. Được 2 ngày anh nằng nặc xin về. Lý do đơn giản, phòng 4 người thì 3 người suốt ngày mở điện thoại xem ticktok, và đã gọi điện thoại thì cứ phải là video call, và món này thì đương nhiên là... loa ngoài. 

Một mặt là chỉ nửa ngày là anh hiểu hết hoàn cảnh của những người cùng phòng, thuộc mặt cả nhiều người trong gia đình họ, nhưng mặt khác, anh không thể ngủ được, không thể yên tĩnh mà chữa bệnh. 

Ở nhà, anh có phòng riêng, cửa tự động, vào ra là nó tự đóng, anh thích sự yên tĩnh, và quen rồi, rất quý nó. Ở đây, cứ tiếp tục như thế này thì chết, anh phải xin về hàng ngày ra lấy thuốc và khám.

Cái tai hại chính là món loa ngoài ấy.

Dân ta, nói thật, có phong cách rất nổi bật là nói chuyện điện thoại rất to, cả xóm nghe và biết anh ấy có điện thoại, ra nước ngoài vẫn thế. 

Thời đầu thì thôi cũng tạm chấp nhận, bởi quả là "phải như thế nào" thì khi ấy mới có điện thoại, nên khoe cũng phải, hơn nữa, loại điện thoại đời đầu ấy, nó cũng như micro, trước khi nói cứ phải thổi phù phù mấy cái, alo mấy cái để kiểm tra xem nó có ra tiếng không rồi mới kính thưa các đồng chí? 

Ở đây, điện thoại cục gạch, hoặc điện thoại bàn, cứ phải gào lên như hồi chiến tranh, giữa mặt trận, anh lính thông tin Nguyễn Duy Nhuệ, sau này là nhà thơ Nguyễn Duy nổi tiếng, rải dây thông tin cho thủ trưởng chỉ huy, cứ phải gào lên trong máy thì đầu kia mới nghe, một mặt do tiếng bom đạn át đi, mặt nữa, chất lượng kém, bị nhiễu. 

Chả thế mà, một hồi, các vị giám đốc có một kiểu chụp ảnh rất chung khi "được" lên các trang báo tết, là ngồi ở bàn làm việc, tay cầm bút và tay kia cầm... điện thoại đang úp vào tai, mắt đăm đăm nhìn về phía trước, môi mím hoặc cười thân thiện.

Thế nhưng giờ, điện thoại rất hiện đại rồi, nói thầm nó vẫn oang oang rồi, nhưng dân ta vẫn giữ thói quen "quát" điện thoại như thế. Là thời điện thoại chưa có loa ngoài ấy. Giờ có loa ngoài, vẫn thói quen "quát" điện thoại như thế, thậm chí tăng hơn.

Chưa hết, vì có video nên còn đi đi lại lại trong quán, trong phòng, hoặc đoạn đường ấy, giơ điện thoại chĩa hết chỗ này chỗ kia để chứng minh ta đang ở đấy ở đấy.

Tôi bị rất nhiều cuộc gọi video như thế, rất khổ, vì nhiều khi đang ở trong tư thế, vị trí, nơi chốn, không... bộc lộ bản thân được. Ví dụ đang... tắm. Và vài việc tế nhị nữa...

Nhưng té ra lại còn thế này, nhiều người không biết là trong cái món gọi điện thoại ấy, nó có chế độ gọi không hình và gọi có hình. Nếu chỉ hình cái điện thoại không thì tức là không có hình và loa trong, anh phải áp tai vào nghe, tất nhiên nó vẫn có chế độ loa ngoài nếu anh muốn. Và hình cái camera thì là gọi video. 

Là một hôm tôi phải giải thích cho một anh chàng rất hay gọi video cho tôi và nhiều người, rằng chú gọi thế không nên, nhất là gọi cho phụ nữ, họ chưa trang điểm là không bao giờ muốn lộ mặt, chưa kể đang trong những hoàn cảnh tế nhị, anh ấy mới thú thật, hôm nay em mới biết có chế độ chỉ âm thanh không hình ảnh.

Đi máy bay, nhất là Vietjet, rất hay gặp những cuộc oang oang như thế. Từ là mẹ lên máy bay rồi, đang ngồi đây rồi, cho mẹ gặp cháu nội rồi cháu ngoại mẹ. Alo cháu à, máy bay đang chạy nhé, bà trên máy bay rồi, chuẩn bị cất cánh, cháu thấy chưa, mây đấy, gió đấy, máy bay mát lắm. Mà sáng nay cháu... ị chưa, bà ăn sáng ở sân bay, gớm bát phở những trăm hai, đấy đấy, cất cánh rồi, cháu thấy chưa...

Rồi kịch phát, lốp máy bay chạm mặt đất, lại oang oang: alo, hạ cánh rồi, gớm máy bay có khác, vèo cái tới rồi, êm êm là, bà chào cháu nhé, chụt chụt...

Giờ có chế tài karaoke rồi, nhưng hình như chưa có chế tài loa ngoài, nên nó rất vô tội vạ.

Mà cái ông điện thoại thông minh ấy, ông ấy... thông minh thật. Mỗi cái điện thoại bán ra, ông ấy khuyến mãi bộ tai nghe, đeo vào nói chuyện thoải mái. Nhưng dân ta hình như ít xài, cứ phải công khai, đỏ mặt lên, đứng dậy, alo thật to mới oai.

Tôi thì, xin thưa thật, rất sợ phải nghe/ xem điện thoại của người khác, sinh hoạt chung với gia đình nhà khác, nên sắm hẳn bộ tai nghe AirPods, đắt nhưng xắt ra miếng, nghe nhạc hay mà nói chuyện cũng êm ái thì thầm và trong vắt...

Tất nhiên, nếu nói chuyện trong gia đình với nhau, thì gọi Video luôn là lựa chọn số một. Hình như nó sinh ra là để dành cho những cuộc như thế này. Nhà tôi vẫn có những cuộc gọi như thế hàng ngày...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Bạn đang đọc bài viết "Nỗi khổ loa ngoài" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).