Bám sát chỉ đạo của Trung ương, thực tiễn địa phương và chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, tỉnh phát huy ý chí tự lực, tự cường, kiên trì, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh hồi đầu tháng 9/2024, gây thiệt hại hơn 28.000 tỷ đồng. Ngay sau bão, tỉnh huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang và toàn dân tập trung khắc phục hậu quả. Tỉnh đã rà soát, điều chỉnh và thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024 đảm bảo phù hợp thực tiễn; kịp thời xây dựng, ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả sau bão. Trong đó, tỉnh hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục năm học 2024 - 2025; hỗ trợ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng; hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện thủy (tàu cá) bị chìm đắm; nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác.
Tỉnh bố trí 1.180 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách và nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện các chính sách khắc phục sau bão.
Vượt qua thiên tai, năm 2024, kinh tế của Quảng Ninh tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao. Khu vực công nghiệp và xây dựng, trọng tâm là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực, dẫn dắt trong tăng trưởng kinh tế. Khu vực dịch vụ, du lịch đạt nhiều kết quả quan trọng, tổng lượng khách du lịch đạt 19 triệu lượt, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22% so với năm 2023; thu ngân sách nhà nước đạt 55.600 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Công tác an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, chăm lo phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với chủ đề công tác năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai. Điển hình, Bình Liêu là huyện dân tộc miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, Tiên Yên và Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2024, Quảng Ninh có 91/91 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 54/91 xã đạt chuẩn nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Chuẩn bị bước vào năm 2025, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chọn chủ đề công tác năm là “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”.
Theo đó, tỉnh tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, khai thông điểm nghẽn, nút thắt, cản trở, ách tắc, tạo thành các nguồn lực cho phát triển kinh tế, quyết tâm hoàn thành mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 12%, thu nhập bình quân GRDP đầu người trên 11.000 USD. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển bền vững, đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ. Quảng Ninh phấn đấu năm 2025 thu hút 20 triệu lượt khách, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế; hoàn thành mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 10%/năm đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh.
Để hoàn thành mục tiêu trên, theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh Vi Ngọc Bích, địa phương cần quyết liệt đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo chủ trương của Trung ương. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công gắn trách nhiệm người đứng đầu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn cho rằng, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới vào các khu công nghiệp, dự án đầu tư vào ngành nghề sản xuất thông minh, hàm lượng tri thức cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; tích cực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đi vào hoạt động, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng.
Năm 2025, Quảng Ninh tiếp tục duy trì đẩy mạnh thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, y tế, giáo dục, văn hóa… Đồng thời đẩy nhanh triển khai thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI như: Thông tuyến Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, nút giao Đầm Nhà Mạc, cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 279...