Nhận thức "khoảng cách số" trong giáo dục đào tạo

25/05/2024 11:00

Cần đảm bảo sự tiếp cận công nghệ trong giáo dục được bình đẳng đến với mọi học sinh để đem lại hiểu quả tích cực.

Ngày 24/5, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và UNESCO Hà Nội chủ trì, phối hợp với Nhóm Chủ nhiệm Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu và Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) tổ chức Lễ công bố báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023 cho khu vực Đông Nam Á.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc bày tỏ Chính phủ Việt Nam, Bộ GD&ĐT trong quá trình hoạch định chính sách luôn coi công nghệ là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển giáo dục, từ những chính sách quốc gia toàn diện, nhất quán, đến những đề án cụ thể đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và quá trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo, để thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững 4 của Liên Hợp Quốc.

Theo đó, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đưa công nghệ vào giáo dục, triển khai nhiều chương trình giảng dạy trực tuyến, học tập từ xa, ứng dụng phần mềm hỗ trợ giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

Thứ trưởng cho biết Việt Nam với khoảng 100 triệu dân, lực lượng học sinh, sinh viên là 24 triệu, cùng điều kiện địa lý đa dạng, gặp khó khăn trong tiếp cận công bằng trong giáo dục, nhất là liên quan đến chuyển đổi số. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã giúp ngành giáo dục nhận ra tầm quan trọng của bình đẳng, công bằng trong tiếp cận giáo dục, nhất là đối với khu vực vùng sâu vùng xa, miền núi.

Giáo dục - Nhận thức 'khoảng cách số' trong giáo dục đào tạo

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc.

“Hoạch định các chính sách và chiến lược chú trọng nhiều đến các nhóm đối tượng yếu thế như trẻ dân tộc thiểu số, trẻ khuyết tật luôn là một trong các ưu tiên hàng đầu”, ông Nguyễn Văn Phúc phát biểu.

Qua sự kiện công bố, Thứ trưởng kỳ vọng, Việt Nam sẽ xây dựng được một cộng đồng giáo dục mạnh mẽ, đoàn kết, cùng nhau thúc đẩy sự phát triển bền vững của giáo dục trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng tại buổi lễ, ông Jonathan Bake -  Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết một thách thức quan trọng là làm thế nào để giải quyết vấn đề "khoảng cách số" dai dẳng trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Mặc dù công nghệ đã được chứng minh là hữu ích để đảm bảo tính liên tục của giáo dục ngay cả trong thời kỳ đại dịch, nhưng các câu hỏi về mức độ và cách thức công nghệ tác động đến việc học cũng đáng được nghiên cứu và tìm hiểu thêm.

Giáo dục - Nhận thức 'khoảng cách số' trong giáo dục đào tạo (Hình 2).

GS.TS. Lê Anh Vinh báo cáo tại hội nghị.

Tại lễ công bố, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo trường hợp của Việt Nam làm chất liệu đầu vào cho báo cáo giám sát giáo dục khu vực Đông Nam Á 2023, chia sẻ về thực trạng sử dụng công nghệ trong lớp học.

Cụ thể, hơn 70% học sinh phổ thông cho rằng các ứng dụng công nghệ rất có lợi cho việc học của họ. Hơn 95% giáo viên tin rằng việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy giúp cải thiện kết quả và thành tích học tập của học sinh, tăng sự hứng thú và động lực, đồng thời thúc đẩy tính tự chủ trong học tập của các em.

“Việc tham gia vào nghiên cứu báo cáo trường hợp của Việt Nam cho ấn phẩm báo cáo giám sát giáo dục Khu vực Đông Nam Á 2023 của UNESCO thực sự là cơ hội quý báu không chỉ cho các nhà nghiên cứu mà còn cả các nhà hoạch định chính sách cùng phân tích các dữ liệu để hoạch định các chiến lược, chính sách nhằm thúc đẩy công nghệ góp phần chuyển đổi giáo dục”, ông Lê Anh Vinh đánh giá.

Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu 2023 với chủ đề "Công nghệ trong giáo dục: Công cụ cho những đối tượng nào?" của UNESCO cung cấp nguồn thông tin về thành tựu giáo dục các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đồng thời nêu ra thách thức về tiếp cận và bảo đảm công bằng công nghệ. Báo cáo cũng đặt ra câu hỏi cho chính các nhà giáo dục về: mục đích của sử dụng công nghệ, tại sao phải sử dụng chúng và sử dụng chúng như thế nào để đảm bảo một nền giáo dục công bằng và có chất lượng, không bỏ ai lại phía sau.

Tại sự kiện, các đại biểu đã chia sẻ những phát hiện và phân tích sâu từ cả quan điểm khu vực và quốc gia, đồng thời thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển công nghệ, tận dụng công nghệ trong giáo dục nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững 4 ở Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết "Nhận thức "khoảng cách số" trong giáo dục đào tạo" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).