Ngân hàng ứng phó vấn nạn giả mạo định danh để chiếm đoạt tài sản

17/05/2024 09:30

Lợi dụng việc ngân hàng tăng tốc số hoá, tội phạm công nghệ đã áp dụng nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi trên giao dịch điện tử để lừa đảo.

Ứng dụng tài khoản định danh, xác thực điện tử (VNeID)

Tại sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024” diễn ra ngày 8/5, bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng Giám đốc - Phụ trách Khối quản lý rủi ro Vietcombank cho biết: “Hiện, các đối tượng phạm tội thường áp dụng hai hình thức lừa đảo phổ biến, đó là dẫn dụ người dân cung cấp các thông tin bảo mật và giả mạo định danh để chiếm đoạt tài sản. Trước tình trạng này, các ngân hàng đã gia tăng  cảnh báo nhằm khuyến nghị khách hàng bảo mật thông tin”.

Theo bà Đinh Thị Thái, Vietcombank đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Công an, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư cùng Cục Cảnh sát Hành chính về trật tự xã hội (CO6) hoàn thành kết nối về kỹ thuật với Dữ liệu dân cư Quốc gia và ứng dụng nhiều giải pháp định danh chính xác công dân, khách hàng. Điều này giúp ngân hàng có được nguồn dữ liệu định danh khách hàng tin cậy.

“Hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ ngân hàng được liên kết xuyên suốt với nguồn dữ liệu đầy đủ, gồm các thông tin về giấy tờ định danh, thông tin sinh trắc học, thông tin về khách hàng. Nhờ đó, chúng tôi có thể ngăn chặn các hành vi giả mạo danh tính để mở tài khoản gian lận, lừa đảo. Đồng thời ngân hàng cũng tối ưu được hoạt động của mình, thông qua giảm thiểu các thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm nguồn lực, thời gian, chi phí cho công tác định danh thủ công”, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết.

Bên cạnh đó, việc tích hợp ứng dụng cũng tạo tiền đề cho việc xây dựng các tiện ích hỗ trợ khách hàng tốt hơn như: “Tích xanh tài khoản đảm bảo” và “Xác thực trực tuyến” hoặc “Xác thực thông tin đa chiều”.

Theo các chuyên gia ngân hàng, trong bối cảnh các hoạt động gian lận và lừa đảo ngày càng tinh vi và phức tạp, việc sử dụng công nghệ kết hợp với dữ liệu dân cư và sử dụng hình ảnh sinh trắc học trong ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử VNeID nhằm xác thực giao dịch điện tử, được xem là điểm sáng trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch qua ngân hàng.

Chú thích ảnh Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Tổ phó Thường trực Tổ Đề án 06, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết: Đến nay, đã có 19 tổ chức tín dụng (TCTD) thử nghiệm ứng dụng VNeID vào mở tài khoản, xác thực giao dịch thanh toán. Ngoài ra, có 48 TCTD triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trên ứng dụng điện thoại di động; 60 TCTD xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp tại quầy giao dịch...

Năm 2023, ứng dụng dữ liệu Quốc gia về dân cư, ngành Ngân hàng không ngừng thúc đẩy chuyển đổi số, sự phối hợp của Bộ Công an với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam; 3,5 triệu dữ liệu của các TCTD, trung gian thanh toán, ví điện tử; đồng thời tiếp tục làm sạch với số dữ liệu còn lại. 

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định: “Bộ sẽ cùng các đơn vị nghiệp vụ của NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cấp dịch vụ vừa đảm bảo an toàn, tiếp tục triển khai các giải pháp tối ưu để đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình kết nối; tiếp tục đẩy mạnh cho vay tín chấp qua chấm điểm công dân, bởi đến nay mới có 2 TCTD giải ngân cho 559 khoản vay". 

Việt Nam mở rộng thanh toán bằng QR Code ra nước ngoài

Chú thích ảnh Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ tại phiên chiều 8/5 của sự kiện Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.

Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết: Hiện 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; trên 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).

Đại diện NHNN cho biết: Các TCTD đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ CCCD gắn chip để tổ chức triển khai giải pháp xác thực khách hàng...

Theo NHNN, đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên 100%/năm.

Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 ngàn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD). Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20 - 25 triệu giao dịch/ngày.              

Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng ứng phó vấn nạn giả mạo định danh để chiếm đoạt tài sản" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).