Trong các hội sáng tạo văn học nghệ thuật chuyên ngành khác, đề tài và bản thân các tác giả dân tộc thiểu số và miền núi cũng rất được coi trọng.
Tôi đang sống ở Pleiku, nên mặc nhiên cũng được coi là người... miền núi, nên cũng mặc nhiên, tôi là hội viên của hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam vì tôi là người sáng tác, là hội viên hội Nhà Văn Việt Nam, dẫu những gì tôi thể hiện trong sáng tác của mình tới hôm nay, chất miền núi và dân tộc thiểu số rất mờ nhạt, rất loàng xoàng.
Vì thế tôi rất thích đọc, và kính trọng những người viết hay về đề tài này, dù tôi rất không thích thứ văn học gọi là đề tài.
Theo tôi, trong sáng tác, ai mạnh cái gì thì viết về cái ấy, đề tài là một tín hiệu, một phạm vi khoa học nghiên cứu phê bình, chứ không phải là chủ đề để tán tụng.
Tôi cũng từng "cầm" một tờ tạp chí Văn Nghệ cấp tỉnh, và câu tôi hay trả lời các bạn cộng tác viên hỏi đề tài, chủ đề số này là gì để viết, tôi bảo, đề tài, chủ đề duy nhất là... hay.
Báo chí có thể có đề tài, còn văn chương thì không cần, miễn là hay. Không kể các nhà văn người dân tộc thiểu số nổi tiếng, các nhà văn người Kinh viết về miền núi và dân tộc thiểu số có nhiều người đã lừng danh như Tô Hoài, Mạc Phi, Thu Bồn, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm, Ma Văn Kháng, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn Hữu Nam, Tống Ngọc Hân, Đỗ Bích Thúy... vân vân, còn nhiều nữa.
Và, tôi rất thích văn của nhà văn Đỗ Bích Thúy trong đội hình trên. Chị là người Kinh, sinh ra và lớn lên ở Hà Giang.
Có thời gian làm báo tỉnh ấy, sống, lăn lộn với Hà Giang, rồi về Hà Nội học, định cư ở Hà Nội, chị hướng về Hà Giang, đau đáu với Hà Giang, và viết.
Và hay đến quằn quại. Và một Hà Giang của chị, hiện lên như sờ nắn được, như bộ phim đang rờ rỡ trước mặt, với một cách nhìn, cách nghĩ, cách nghe, cách xuýt xoa, cách thở... rất Đỗ Bích Thúy.
Chả biết Hà Giang nhập vào chị hay chị nhập vào Hà Giang. Tôi lên Hà Giang, tới đâu cũng thấy chị, và ngược lại, gặp chị dẫu ở Hà Nội, cũng vẫn rất... Hà Giang.
Nó, thực ra lâu nay có hiện tượng này, một số người viết về miền núi và dân tộc thiểu số cứ như thiêu thiếu cái gì đấy. Cứ có cảm giác chưa tới.
Ngoài chuyện tài năng, nó còn là sự thấu cảm, sự hiểu biết, sự máu thịt, sự dấn thân và nhập tâm, sự hòa đồng và phông văn hóa, tri thức và góc nhìn.
Nó như kiểu một thời cứ cái mày cái tao, cái bụng cái tai, cái quăng dao cái mùa rẫy, mùa trăng, rồi những a mí a ma loạn lên, rồi book rồi pá, rồi cái mắt ngủ cái tay đi công tác vân vân.
Nó rổn rảng vỏ mà không có ruột, nó hời hợt, nó địa danh, nó kể lể, nó than khóc, nó rất vô cảm và cứ chực rời ra, mỗi chữ lăn mỗi phía, mỗi hình ảnh một góc chứ không quyện không bện, không nhập không xoắn xuýt với nhau.
Nó hoặc là kiểu ở trên nhìn xuống, ở ngoài nhìn vào, nên hời hợt và dễ dãi, đầy suy diễn, dẫu trong ấy cũng có khóc cười sướng khổ, yêu đương day dứt, làm tình sinh đẻ và cả chết chóc bi lụy...
Nó cứ chuội đi. Nên tôi ngẩn ngơ khi đọc xong một tập truyện ngắn, chả hiểu sao nó nhập vào tôi sâu đậm đến thế, tới mức tôi viết ngay trên Facebook, "có lẽ sau Đỗ Bích Thúy, giờ tôi mới đọc một tập truyện ngắn về dân tộc- miền núi hay đến thế".
Là tập "Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về" của tác giả trẻ Trang Thụy. Thấy ảnh với các hoạt động trên Facebook cá nhân, tưởng Trang Thụy chỉ được cái... xinh đẹp và nhí nhảnh. Thế mà, đọc một hơi 11 truyện ngắn trong tập, mỏng thôi, của Thụy trong một đêm và một buổi sáng, tôi như ngộp trong một thế giới đậm đặc những số phận, những con người, những hình ảnh, những phong tục, những mối tình, những nỗi buồn, những tận cùng những chót vót, những mênh mang những cô đặc... của một cái miền núi vừa xa ngái vừa thân thuộc nào đó, những làng, những con người dân tộc thiểu số cũng thế, vừa thân quen vừa lạ lẫm...
Trang Thuỵ viết rất hoạt, lôi người đọc vào thế giới truyện ngắn của cô, nó khiến ta như đang sống ở đấy cùng nhân vật, chia sẻ nỗi éo le của nhân vật, hành xử cùng nhân vật, nhiều lúc rên lên cùng nhân vật.
Cái tài nữa là, cô viết như rút từ đời sống của mình, không ngô nghê, không ngọng nghịu, không bừa phứa... như một số người Kinh viết về dân tộc khác.
Cô như tãi máu huyết mình ra, như đã mấy đời sinh ra từ đấy, lặn ngụp ở đấy... Mà cô nhà văn trẻ này, theo tôi biết, sinh ra ở Hương Khê, Hà Tĩnh và sống ở đấy 18 năm.
Rồi vào sống ở Huế 5 năm. Sau đó, ở Hà Nội 13 năm, và giờ thì đang ở Hội An. Mẹ là người Huế, bố là người Hải Dương, rất ít dấu ấn miền núi.
Thực ra thì Hương Sơn cũng có một tí gọi là núi, chính xác là trung du miền núi mà có vẻ như trung du nhiều hơn. Nhưng cả tập truyện, cô viết về cái miền núi có vẻ như phía Bắc, nó ngồn ngộn, nó lồ lộ, nó nhuyễn, nó thân thuộc, nó như là chính nó.
Tài nữa là cách sử dụng hình ảnh, dùng chữ cực đắt cực gợi cực đọng cực... dân tộc thiểu số.
Mỗi truyện nhặt ra hàng chục cách sử dụng chữ để tả hình ảnh như thế, ví dụ: "Đuổi thì đi. Mũi nhằm nhặm cay, y hậm hực bẻ cong từng con dốc". "Y bỏ ra thềm ngồi châm đóm, ngậm khói cho tới khi phổi bị nén, nở ra như cuộn dồi hấp thì trợn mắt nhè khói ra". "Hạt thóc nảy mầm trong cái lỗ đủ giấu một con nhái". "Tiếng rên xước như ống váy quệt qua bụi dền gai". "Cái rét phải cõng trên lưng, bế trên tay mới thấy mái nhà nằm chon von trên đỉnh gió". "Chưa tới bốn mươi, mặt lão chi chít vết roi quật qua mắt. Hễ ai đi chợ tình sớm, đẻ nhiều con thì cái già sẽ xộc tới sớm, dữ dội hơn cả lũ ống tràn qua bản vào mùa thu"...
Truyện rất buồn, nhiều nỗi buồn, nhiều số phận buồn, những nỗi buồn cứ hiu hắt, cứ tãi ngày, tãi chiều tãi đêm ra, nhưng nó lại như những bếp tro, tưởng tàn, sâu trong ấy, cời ra, có những cục than li ti.
Những cục than hiu hắt nhưng vẫn còn ấm, những cuộc đời cứ lặng lẽ âm thầm nơi những hốc núi, nhưng bên trong, vẫn có những trái tim biết rạo rực, dẫu những người đàn bà ở đấy, chả khác gì con rùa thời bác Tô Hoài viết A Phủ.
Tất nhiên không phải truyện nào cũng ổn, có những cái còn mỏng, còn nhẹ, có những số phận mới được mở ra mà chưa gói, những câu chuyện chưa tới, mới chỉ như phác thảo, chưa đọng lại, chưa găm vào trí nhớ...
Nhưng, còn có những trái tim biết ghen, là còn yêu, là không chỉ dạng chân ra đẻ mà còn biết vẹt đêm ra để nhớ, dẫu những nỗi nhớ đến xa xót, khổ nhục và đớn đau vô vọng...
Những cuộc đời, những mối tình, những quan hệ gia đình... được cô quan sát rất kỹ và tả và kể rất đặc trưng, rất miền núi.
Những chịu đựng, những im lặng, những nhân ái, những dằng dặc miên man lặng im của đêm, của đá, của đời và người...
Đọc xong, cứ thăm thẳm buồn, nỗi buồn như đá, như đêm, và những ngọn lửa, những ngọn lửa trong đêm và trong trái tim từng người.
Để rồi hy vọng, và thương, rất thương những thân phận đàn bà... Và, vì thế, nó rất "dân tộc và miền núi", ít nhất là dưới mắt tôi, vừa là người đọc vừa là đồng nghiệp của cô...
* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả!