Lợi nhuận bốc hơi một nửa, TDM Water lý giải ra sao?

11/08/2024 16:12

Theo TDM Water, một trong những nguyên nhân kinh doanh sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2024, là do cổ tức được nhận từ Biwase giảm mạnh từ 94 tỷ đồng xuống còn 400 triệu đồng.

CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM Water, HoSE: TDM) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 293 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của công ty đến từ hoạt động kinh doanh chính là cung cấp nước sạch với 242 tỷ đồng.

Giá vốn bán hàng của công ty tăng 47% lên 165 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận gộp của TDM Water đạt gần 128 tỷ đồng, nhích nhẹ 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo sự lý giải của công ty, việc lợi nhuận gộp tăng chủ yếu do sản lượng nước tiêu thụ tăng 4,7%.

Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính của công ty đạt 4 tỷ đồng, "bốc hơi" hơn 96% so với con số 96 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023. Nguyễn nhân chủ yếu là do cổ tức, lợi nhuận được chia giảm mạnh từ 94 tỷ đồng xuống còn 400 triệu đồng.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, công ty có ghi nhận doanh thu tài chính là khoản cổ tức của CTCP – Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase – HoSE: BWE) bằng. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2024, Biwase trả cổ tức bằng cổ phiếu. Hiện TDM Water đang sở hữu 37,42% vốn tại Biwase, với mức đầu tư 1.061 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính lao dốc mạnh, trong khi các khoản chi phí khác như chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn neo cao, chi phí tài chính tăng 53% lên gần 26 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của TDM Water giảm 49%, từ 193 tỷ đồng xuống còn 99 tỷ đồng.

Kết quả, TDM Water báo lãi trước thuế gần 100 tỷ đồng, giảm 48%; lãi sau thuế 89 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, TDM Water đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tối thiểu đạt 214,1 tỷ đồng, đạt 71% so với năm 2023 là 301,1 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I/2024, TDM Water hoàn thành 47% kế hoạch đề ra.

Lý giải thêm về yếu tố khiến lợi nhuận đi lùi, TDM Water cho biết năm nay công ty ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỉ giá 8,5 tỷ đồng do khoản vay 8 triệu USD từ Wooribank - CN Dubai để thực hiện dự án Tuyến ống nước chuyển tải nước thô DN1600 từ Trạm bơm nước thô Tân Ba và Nhà máy nước Dĩ An.

Đồng thời, khoản dự phòng giảm giá đầu tư của công ty tăng từ 4,6 tỷ đồng lên gần 10 tỷ đồng, trong đó dự phòng cho CTCP Cấp nước Gia Tân 8 tỷ đồng và CTCP Biwase Quảng Bình dự phòng gần 2 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính Doanh thu tài chính "bốc hơi" 98%, TDM Water báo lãi quý I/2024 đi lùiĐỌC NGAY

Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của TDM Water ghi nhận ở mức 2.937 tỷ đồng, tăng 12,8% so với hồi đầu năm. Trong đó chủ yếu là tài sản dài hạn với 2.188 tỷ đồng, chiếm 74,4% tổng tài sản.

Tiền và các khoản tương đương tiền của công ty tăng từ 110 tỷ đồng hồi đầu năm lên 355 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu đến từ việc tăng tiền gửi không kỳ hạn từ 23 lên gần 239 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của TDM Water tăng gấp 22 lần lên 44 tỷ đồng do nguyên vật liệu tăng. 

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của TDM Water cũng tăng mạnh từ 60 tỷ đồng lên gần 159 tỷ đồng do tăng đầu tư vào dự án tuyến ống chuyển tải nước thô D1600 từ công trình thu Tân Ba về nhà máy nước Dĩ An dài khoảng 4.390m.

Tổng giá trị dự toán đầu tư là 276 tỷ đồng, thời gian thực hiện 12 tháng, bắt đầu triển khai từ quý III/2023. Kết thúc tháng 6/2024, dự án đang được tiến hành xây dựng lắp đặt các tuyến ống nước.

Tại ngày này, nợ phải trả của công ty là 533 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Phần lớn là nợ ngắn hạn với 314 tỷ đồng, chiếm 59% nợ phải trả. Tổng nợ vay và thuê tài chính của công ty là 396 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Lợi nhuận bốc hơi một nửa, TDM Water lý giải ra sao?" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).