Lăng kính chứng khoán 18/12: Ưu tiên quản trị rủi ro

18/12/2023 11:30

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất định như hiện tại, NĐT nên ưu tiên quản trị rủi ro hơn là cố gắng tìm kiếm lợi nhuận, tuyệt đối không sử dụng margin.

Thị trường trải qua tuần giao dịch kém tích cực dưới áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại khiến chỉ số chung liên tục mất điểm. Dù VN-Index mở cửa đầu tuần tăng tốt, nhưng đà bán miệt mài của nhà đầu tư ngoại khiến thị trường mất đi lực đỡ quan trọng.

Luỹ kế 5 phiên, khối ngoại đã bán ròng 3.347 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đây là tuần thứ 6 liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Từ đầu năm đến nay, giá trị bán ròng của khối ngoại vượt mức 20.000 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó bán ròng 22.600 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Kết tuần 11 - 15/12, chỉ số VN-Index giảm 7,83 điểm, tương đương 1,97% so với tuần trước xuống 1.102,3 điểm.

Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư quay trở lại khiến thanh khoản ở mức thấp, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần đạt 15.502,4 tỷ đồng, giảm tới 32% so với tuần trước.

Sau tuần phục hồi tốt, đa số cổ phiếu trong nhóm vốn hoá lớn đều chịu áp lực điều chỉnh mạnh trở lại dưới áp lực bán của khối ngoại, đơn cử như MSN giảm 4,83%, BCM giảm 4,62%, VPB giảm 4,59%, MWG giảm 4,34%, SAB giảm 4,27%, STB giảm 3,90%...

Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư trong những tuần giao dịch cuối năm, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng phân tích CTCK Agriseco và ông Dương Hoàng Linh - Giám đốc phân tích CTCK SBS đều cho rằng tuyệt đối không sử dụng margin.

Người Đưa Tin (NĐT): Tuần qua, thị trường tiếp tục chứng kiến sự bán ròng mạnh mẽ của nhà đầu tư ngoại, tuy nhiên dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước là điểm sáng, góp phần “chặn” đà giảm của thị trường. Ông có đánh giá thế nào về diễn biến này của khối ngoại, liệu động thái này có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư không?

Ông Nguyễn Anh Khoa: Trong giai đoạn cuối năm 2022 - đầu năm 2023, nhóm này đã đẩy mạnh việc giải ngân khi thị trường trải qua nhịp điều chỉnh sâu từ vùng 1.200 điểm xuống vùng 880 điểm. Việc liên tục bán ròng trong 2 quý trở lại đây được cho là đến từ hoạt động chốt lời ngắn hạn thông thường các vị thế đã mở trước đó. 

Bên cạnh đó, những rủi ro đến từ trong nước như áp lực trả nợ trái phiếu hay đến từ các yếu tố ngoại biên như các định chế tài chính lớn đồng thuận hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị gia tăng,... đã khiến cho dòng tiền của khối ngoại rút khỏi các lớp tài sản rủi ro và tìm đến các kênh đầu tư an toàn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ, vàng.

Tôi đánh giá việc các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng có thể mang lại những tác động kém tích cực lên tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung. 

Ông Dương Hoàng Linh: Rõ ràng, áp lực bán của khối ngoại thời gian qua có tác động nhiều đến tâm lý nhà đầu tư, điều này cũng ảnh hưởng đáng kể tới sức mạnh dòng tiền tham gia thị trường. Việc bán ròng tập trung tại nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn thuộc VN30 cũng là một phần nguyên nhân ảnh hưởng tới chỉ số VN-Index.

Theo tôi, nhiều khả năng xu hướng bán ròng này vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới đây khi lãi suất ở Mỹ vẫn còn neo cao và mặt bằng lãi suất ở Việt Nam đang rất thấp.

Tài chính - Ngân hàng - Lăng kính chứng khoán 18/12: Ưu tiên quản trị rủi ro

Diễn biến chỉ số VN-Index tuần 11 - 15/12 (Nguồn: FireAnt).

NĐT: Theo dự báo của ông, diễn biến thị trường trong 2 tuần giao dịch cuối cùng của năm sẽ ra sao?

Ông Nguyễn Anh Khoa: Sau mỗi nhịp giảm điểm mạnh, thị trường thường có các nhịp phục hồi cũng phản ánh tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền bắt đáy trên thị trường. Tuy nhiên, tôi cho rằng với xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo, cần hạn chế đẩy mạnh giải ngân, hoặc sử dụng margin và nên khống chế tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức an toàn, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.

Việc tái cơ cấu danh mục sang các vị thế trung và dài hạn đối với các mã cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, tình hình tài chính lành mạnh, tỷ trọng nợ vay thấp, triển vọng kinh doanh tích cực cần được ưu tiên trong giai đoạn hiện tại.

Ông Dương Hoàng Linh: Thị trường luôn chịu tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau tại mỗi thời kỳ. Vì vậy, theo tôi nhà đầu tư nên quan sát diễn biến để có thể xác định xu hướng ngắn hạn, chỉ khi nào kênh xu hướng có sự cải thiện cũng như dòng tiền quay trở lại thì mới là yếu tố đáng tin cậy.

NĐT: Theo ông, nhà đầu tư nên hành động như thế nào trong thời điểm này?

Ông Nguyễn Anh Khoa: Trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất định như hiện tại, tôi cho rằng cần hạn chế đẩy mạnh giải ngân, hoặc sử dụng margin. Thay vào đó nên giữ tỉ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức an toàn, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.

Ngoài ra, cần ưu tiên tái cơ cấu danh mục sang các vị thế trung và dài hạn đối với các mã cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, tình hình tài chính lành mạnh, tỉ trọng nợ vay thấp và có triển vọng kinh doanh tích cực.

Ông Dương Hoàng Linh: Thị trường đang có diễn biến giằng co trong biên độ khoảng 1.080 - 1.130 điểm, do đó chiến lược phù hợp nhất hiện tại cho nhà đầu tư ngắn hạn là nên canh mua khi chỉ số về gần vùng biên dưới tại 1.080 điểm và cân nhắc chốt lời khi chỉ số tiến gần vùng biên trên 1.130 điểm.

Cùng với đó, tỉ trọng đầu tư không nên để quá 50% cổ phiếu, đặc biệt do xu hướng vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn nên tuyệt đối không sử dụng margin, ưu tiên quản trị rủi ro hơn là cố gắng tìm kiếm lợi nhuận.

Bạn đang đọc bài viết "Lăng kính chứng khoán 18/12: Ưu tiên quản trị rủi ro" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).