Lan toả kỹ năng nghề trong thế hệ trẻ

22/09/2024 16:30

Tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 47 vừa kết thúc tại Lyon (Pháp), đoàn Việt Nam đã giành được 1 Huy chương Đồng và 3 Chứng chỉ nghề xuất sắc. Việc thí sinh giành giải cao ở các kỳ thi kỹ năng nghề trong khu vực và quốc tế là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ trong phát triển kỹ năng, mang tới nhiều cơ hội việc làm.

Lần đầu xã hội hoá 100%

Theo đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), với tổng điểm 729, thí sinh Phạm Thành Đạt, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội được Viện Đào tạo Kỹ năng nghề Denso hướng dẫn, đã giành Huy chương Đồng ở nghề phay CNC. Đây là lần thứ 3 liên tiếp đội Việt Nam có huy chương tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới.

Chú thích ảnh Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chúc mừng thí sinh đạt giải tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 47.

Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam còn giành được 3 Chứng chỉ nghề xuất sắc của thí sinh Hồ Chí Nguyên (nghề quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin), Nguyễn Khoa Hải Minh (thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD) và thí sinh Cù Đức Hiếu (nghề tiện CNC). Mặc dù nghề phay CNC không đạt được thành tích Huy chương Bạc kỳ thi kỹ năng nghề thế giới như cách đây 2 năm, song, tấm Huy chương Đồng của Phạm Thành Đạt cũng rất đáng khích lệ.

Theo các chuyên gia, nghề phay CNC tiếp tục thi đề đóng với độ khó, phức tạp ngày càng tăng so với các kỳ thi trước đó.

Đánh giá về kết quả đạt được của đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), Phó Trưởng đoàn Việt Nam tại kỳ thi Kỹ năng nghề Thế giới 2024 cho biết: "Với thành tích đạt được, đoàn Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu ban đầu đặt ra. Các thí sinh, chuyên gia và toàn đoàn đã nỗ lực, với tinh thần thi đấu quyết liệt nhất, trong bối cảnh còn hạn chế về nguồn lực, khó khăn về điều kiện tiếp cận, trang bị công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại cho giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề".

Tuy số lượng và màu huy chương năm nay thấp hơn ở kỳ tham dự trước (kỳ thi thứ 46 năm 2022), nhưng đây là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức tham dự thi với các nghề sử dụng bằng 100% nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác, không có nghề nào sử dụng ngân sách Nhà nước. Kết quả này sẽ là dịp quan trọng để nhìn nhận, đánh giá vai trò của các bên liên quan trong giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề gồm Nhà nước - doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Sớm có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo

Những kết quả cao giành được tại các hội thi tay nghề đều đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Công ty Denso là một ví dụ điển hình, 5 kỳ thi gần đây công ty đã phối hợp với Tổng cục tuyển chọn và đào tạo thí sinh; những học viên do doanh nghiệp đào tạo đều giành huy chương.

Chú thích ảnh Thí sinh Phạm Thành Đạt (bên trái) với thành tích Huy chương Đồng ở nghề phay CNC

Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, để tiếp tục đoạt các giải cao ở các đấu trường quốc tế, Việt Nam cần thay đổi tư duy từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà trường và cả thí sinh. Việc giành các giải thưởng quốc tế mang về vinh quang cho Tổ quốc quan trọng, nhưng bài học rút ra sau mỗi cuộc thi để cải thiện hệ thống đào tạo còn quan trọng hơn.

"Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới được các nước gần Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản đầu tư bài bản, công phu. Họ có lực lượng chuyên gia, thí sinh tốt. Họ là các quốc gia có năng suất lao động cao, có sức cạnh tranh trên thị trường lao động. Việt Nam học tập được nhiều từ đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề cho tới huấn luyện kỹ năng. Trong các năm gần đây, Việt Nam liên tiếp có huy chương đồng, huy chương bạc với sự đầu tư của cả Nhà nước và tư nhân”, ông Trương Anh Dũng nhận định.

Qua các cuộc thi, các bên liên quan cần nghiên cứu và ứng dụng các mô hình phù hợp để cải thiện kỹ năng của lao động. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đang tham mưu cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chính phủ trong xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) với nhiều chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có chính sách khuyến khích và tôn vinh để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào công tác đào tạo nghề.

Chia sẻ về quá trình luyện tập trước khi thi, thí sinh Phạm Thành Đạt cho rằng: "Giai đoạn luyện tập nâng cao vất vả. Nhờ sự hỗ trợ của đơn vị, em đã thực hiện được những phần thi với độ khó cao, từ chi tiết nhỏ đều được em xử lý thành thạo. Em hơi tiếc nuối khi khoảng cách giữa em và huy chương bạc chỉ 1 điểm, nếu như em chỉn chu hơn, kết quả đã tốt hơn".

Phạm Thành Đạt dự kiến hoàn thành học vấn tại Đại học Công nghiệp và mong muốn được đồng hành với Viện Đào tạo Kỹ năng nghề Denso, để giúp các bạn thí sinh mùa sau giành thành tích cao hơn, mang về vinh quang cho Tổ quốc và là nguồn cảm hứng cho các học viên nghề.

Bạn đang đọc bài viết "Lan toả kỹ năng nghề trong thế hệ trẻ" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).