Kích cầu tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm

02/02/2025 16:17

Để đồng hành cùng mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% của Chính phủ năm 2025, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, với khả năng điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến kinh tế thực tế. Hiện các ngân hàng đã được cấp hạn mức tín dụng mới và đang triển khai các giải pháp thúc đẩy dòng vốn ngay từ đầu năm.

Chú thích ảnh Khách hàng giao dịch tại Hội sở Agribank. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Chủ động kích cầu

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, theo cách tính chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, Agribank có thể tăng trưởng tín dụng 13% trong năm 2025, tương ứng với việc sẽ có khoảng 230.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận vốn, ngay từ đầu năm, Agribank đã triển khai bốn chương trình cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp FDI, khách hàng lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mức giảm lãi suất dao động từ 1,2 - 1,8%/năm tùy đối tượng. Ngoài ra, Agribank cũng dành gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân.

Trong khi đó, tại Hội nghị Nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh năm 2024 và triển vọng 2025, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết ngân hàng sẽ dành ít nhất 50% hạn mức tăng trưởng tín dụng cho phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), trong khi phần còn lại tập trung vào doanh nghiệp lớn.
 
Đặc biệt, MB sẽ ưu tiên tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất và các lĩnh vực thuộc danh mục ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước. Đây là bước đi phù hợp với chiến lược phát triển của MB trong giai đoạn 2022 - 2026 nhằm gia tăng tỷ trọng bán lẻ.

Còn theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), khi nền kinh tế phục hồi, bất động sản ấm lên và thu nhập người dân cải thiện, tín dụng sẽ có điều kiện tăng trưởng mạnh. "Thông thường, tín dụng tăng trưởng gấp đôi mức tăng trưởng GDP. Do đó, để hỗ trợ mục tiêu kinh tế tăng trưởng năm 2025, ngành ngân hàng sẽ có dư địa để mở rộng tín dụng mạnh mẽ", ông Hưng nhận định.

Trước đó, để hỗ trợ thị trường và ổn định giá cả dịp Tết, một số ngân hàng đã triển khai các gói vay với lãi suất ưu đãi. Hiện nay, mức lãi suất cho vay ngắn hạn thấp nhất từ 4,5%/năm, trong khi các khoản vay trung và dài hạn dao động quanh mức 7,9%/năm. Những chính sách này góp phần đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, hỗ trợ người dân, đặc biệt là nhóm lao động có thu nhập thấp, trong mùa cao điểm tiêu dùng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Năm 2025, chính sách tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn. Các ngân hàng tự xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động. Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, đồng thời tạo điều kiện cho dòng vốn chảy vào sản xuất và nhà ở xã hội. Đây là điểm khác biệt so với những năm trước khi mà Ngân hàng Nhà nước không giao chỉ tiêu tín dụng "cứng" cho từng ngân hàng.

Chú thích ảnh Khách hàng giao dịch tại Sở giao dịch BAOVIET Bank. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Thêm chính sách hỗ trợ

Nhằm kích cầu tín dụng, nhất là đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, ngay từ đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo 9 ngân hàng thương mại triển khai nhanh gói tín dụng 145.000 tỷ đồng, nâng từ quy mô ban đầu 120.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đề xuất của các tổ chức tín dụng về việc không tính dư nợ cho vay từ gói tín dụng này vào room tín dụng của từng ngân hàng.

Bà Phùng Thị Bình cho rằng, việc không tính gói tín dụng 145.000 tỷ đồng vào hạn mức tín dụng giúp các ngân hàng có điều kiện đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất vẫn là giải quyết vướng mắc trong tiếp cận vốn.

Bởi lẽ, tính đến cuối năm 2024, mới chỉ có hơn 1% của gói 145.000 tỷ đồng được giải ngân. Mặc dù đã có các gói tín dụng hỗ trợ, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn còn rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn và một số dự án chưa có nhu cầu vay. Hơn nữa, vị trí của nhiều dự án xa trung tâm thành phố khiến người lao động không mặn mà mua nhà.

Chưa dừng lại ở đó, liên quan đến yếu tố về lãi suất cho vay, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đánh giá do gói tín dụng này được hình thành từ nguồn huy động của ngân hàng thương mại nên không thể giảm lãi suất quá sâu. Ông đề xuất rằng để phát triển nhà ở xã hội bền vững, cần có nguồn vốn ngân sách thay vì phụ thuộc vào ngân hàng.

Tuy nhiên, bà Phùng Thị Bình dự báo với sự phục hồi kinh tế và việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý, nhu cầu nhà ở xã hội sẽ tăng, từ đó giúp gói tín dụng 145.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân hiệu quả hơn. Thực tế, nhiều dự án bị đình trệ trong năm 2024 đã được tháo gỡ trong hai tháng cuối năm, tạo điều kiện cho triển khai mới. Tính đến ngày 31/12/2024, Agribank cam kết cho vay 4.000 tỷ đồng thuộc gói này với 13 dự án và 252 khách hàng cá nhân, trong đó hơn 1.000 tỷ đồng đã được giải ngân thực tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2024, lãi suất huy động tăng 0,71% so với đầu năm, trong khi lãi suất cho vay giảm 0,59%. Đặc biệt, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại giảm trung bình gần 1%. Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tuân thủ cam kết cho vay với lãi suất ưu đãi, đồng thời đảm bảo nguồn lực cho các lĩnh vực kinh tế quan trọng.

Dù vậy, giới phân tích nhận định xu hướng này có thể đảo chiều trong năm 2025 với khả năng lãi suất cho vay nhích lên. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc lãi suất tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước tiên, nếu các ngân hàng triển khai mạnh tín dụng theo chỉ tiêu 16% của Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu năm, nhu cầu vốn sẽ tăng cao. Khi đó, để huy động đủ nguồn vốn, các ngân hàng có thể phải nâng lãi suất huy động, kéo theo sự điều chỉnh lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, ông Hiếu nhận định diễn biến kinh tế toàn cầu, đặc biệt là chính sách lãi suất của Mỹ, cũng có ảnh hưởng đáng kể. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, Việt Nam có thể phải điều chỉnh theo để duy trì sự ổn định của đồng VND. Việc giữ lãi suất thấp trong bối cảnh Mỹ tăng lãi suất có thể khiến giá trị VND suy giảm, từ đó tác động đến tỷ giá và kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, tình hình nợ xấu cũng là yếu tố đáng quan tâm. Sau trận bão Yagi lịch sử đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam hồi tháng 9 năm ngoái, nguy cơ nợ xấu gia tăng có thể khiến các ngân hàng siết chặt tín dụng và nâng lãi suất để bù đắp rủi ro.

"Khi nợ xấu tăng, chi phí vốn của ngân hàng cũng cao hơn, từ đó tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới", vị chuyên gia này dự báo.

Bạn đang đọc bài viết "Kích cầu tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).