Khẩn trương thanh lý rừng trồng sau bão số 3

31/10/2024 12:13

Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, các địa phương cần cân nhắc thực hiện thanh lý rừng trồng, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng khu vực.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ra Công văn số 8153/BNN-LN đề nghị UBND cấp tỉnh khẩn trương rà soát, thống kê, tiến hành các thủ tục xử lý, khắc phục hậu quả sau bão số 3.

Theo đó, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh trong việc thanh lý rừng trồng cần lưu ý 3 vấn đề bao gồm: Thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng; các trường hợp được thanh lý; việc lựa chọn hình thức thanh lý. Ngoài ra, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khi thực hiện cần lưu ý phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Đồng thời, Bộ đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các Sở NN&PTNT, UBND cấp huyện và cơ quan chuyên môn tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định số 140/2024/NĐ-CP vừa ban hành đến các tổ chức, chủ rừng trên địa bàn.

Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định 140/NĐ-CP về thanh lý rừng trồng. Trong đó, chỉ rõ 2 trường hợp để đưa rừng vào diện thanh lý. Đó là, rừng bị dịch sâu, bệnh và sinh vật khác gây hại.

Khẩn trương thanh lý rừng trồng sau bão số 3- Ảnh 1.

Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, các địa phương cần cân nhắc thực hiện thanh lý rừng trồng, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng khu vực.

Trường hợp còn lại là do thiên tai theo quy định của pháp luật, gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần...

Thẩm quyền thanh lý rừng trồng thuộc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương hoặc HĐND cấp tỉnh, tùy thuộc phạm vi quản lý của rừng. Khi thanh lý rừng trồng, tổ chức sở hữu thực hiện khai thác tận dụng theo quy định. Trường hợp bán lâm sản từ hoạt động này thực hiện theo quy định về đấu giá tài sản.

Nếu rừng trồng trong giai đoạn đầu tư, cấp có thẩm quyền điều chỉnh dự án đầu tư hoặc điều chỉnh kế hoạch vốn, thiết kế và dự toán trồng rừng theo quy định về đầu tư công và đầu tư công trình lâm sinh. Nếu rừng trồng sau giai đoạn đầu tư, cần điều chỉnh giá trị hình thành tài sản và nguồn vốn hình thành tài sản.

Rừng tự nhiên bị thiệt hại sau bão có được khai thác không?

Tổ chức có rừng trồng được thanh lý có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện thanh lý rừng trồng với cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng ngay sau khi hoàn thành việc thanh lý rừng. Chi phí thanh lý rừng trồng được lập dự toán trong phương án thanh lý rừng trồng. Việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí thanh lý rừng trồng thực hiện theo quy định về ngân sách nhà nước.

Việc nhanh chóng thanh lý rừng trồng là điều cấp bách lúc này, sau khi khoảng 200.000ha rừng bị thiệt hại bởi bão số 3. Vào đầu tháng 9/2024, Cục Lâm nghiệp cũng đề nghị địa phương, các chủ rừng nhanh chóng tái sản xuất, phục hồi rừng bằng các giống bản địa.

Trước đó tại Hội nghị bàn giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trong lĩnh vực lâm nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, đối với diện tích rừng bị thiệt hại nặng, cây rừng bị đổ gãy hoàn toàn, không thể phục hồi được thì thực hiện khai thác, tận thu toàn bộ số cây. Sau khi khai thác, tận thu, chủ rừng sẽ phải trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi.

Đối với diện tích rừng bị thiệt hại nhẹ, Thứ trưởng chỉ đạo, số cây còn lại đủ tiêu chí thành rừng thì chỉ tận thu những cây bị đổ, gãy. Đồng thời, vệ sinh rừng rừng, phòng chống cháy rừng.

Còn với diện tích rừng tự nhiên bị gãy, đổ do bão số 3 và hoàn lưu sau bão sẽ được bảo vệ, áp dụng biện pháp khoanh nuôi bảo vệ, phục hồi rừng sau bão.

Bạn đang đọc bài viết "Khẩn trương thanh lý rừng trồng sau bão số 3" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).