Diễn đàn Chính sách doanh nghiệp nhỏ và vừa: “Tiếp cận vốn – Khơi thông điểm nghẽn”

23/07/2024 17:17

Sáng ngày 23/7, tại Bình Dương, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASMEG) phối hợp cùng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Diễn đàn Chính sách doanh nghiệp nhỏ và vừa với chủ đề: “Tiếp cận vốn – Khơi thông điểm nghẽn”. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân (IPSC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

1-1721728498.jpg

 

Diễn đàn lần này xoay quanh đến vấn đề “Tiếp cận vốn – Khơi thông điểm nghẽn” đưa ra giải pháp thảo luận liên quan đến chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn vốn để ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.

Phát biểu tại chương trình, Th.S Luật Sư Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Chi hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Phát triển Kinh tế xanh Việt Nam (VINASMEG) chia sẻ, vùng kinh tế trọng điểm phía nam và các tỉnh Tây Nguyên là khu vực kinh tế rất năng động, trong đó các DNNVV có vai trò quan trọng  và đóng góp rất lớn vào nguồn thu của địa phương và ngân sách quốc gia. Để góp phần hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp khu vực phía Nam và các tỉnh Tây Nguyên trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phụ vụ sản xuất kinh doanh phát triển bền vững, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Chi hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Phát triển Kinh tế xanh Việt Nam (VINASMEG) tổ chức Diễn đàn Chính sách Doanh nghiệp nhỏ và vừa giúp các doanh nghiệp hội viên và các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế của các quốc gia. Theo các các con số thống kê, Ở Việt Nam, DNNVV chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp của quốc gia  khoảng 98%, đóng góp trên 40% GDP, 33% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho 36% tổng lao động, thu hút 32% tổng nguồn vốn và tạo ra 26% tổng doanh thu trong khối doanh nghiệp. 

z5659284486973-efd992158e5649e776263ed531469483-1721728534.jpg
 

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện nay, mặc dù các tín hiệu kinh doanh khả quan nhưng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và thách thức. Theo thống kê, mỗi tháng có trên 18.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hầu như là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Một trong những khó khăn thách thức lớn nhất của doanh nghiệp là vấn đề tiếp cận vốn.

Trên thực tế Chính Phủ có nhiều giải pháp trong việc tiếp cận vốn đã góp phần không nhỏ đến sự phát triển thành công của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay Nhà nước cũng đã và đang thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích đầu tư và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa như ban hành, sửa đổi các chính sách thuế, chính sách tài chính - tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Sự hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hình thức tín dụng ngân hàng chủ yếu được thực hiện bằng các khoản cho vay của ngân hàng thương mại quốc doanh. Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các ngân hàng nới lỏng điều kiện vay vốn. Các ngân hàng thương mại chủ động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc lập dự án sản xuất kinh doanh, loại bỏ sự phân biệt đối xử của ngân hàng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quốc doanh. Đồng thời, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, Nhà nước thành lập và phát triển các định chế tài chính thuộc sở hữu Nhà nước để thực hiện chính sách bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp. Hoạt động cơ bản của các định chế này là thực hiện chính sách bảo lãnh những khoản tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm khuyễn khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn, đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập vào thị trường quốc tế.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng – Phó giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mặc dù đã có những bước chuyển biến tích cực, nhưng trên thực tế, hiện nay tài chính vẫn đang là vấn đề yếu nhất của doanh nghiệp. Tình trạng thiếu vốn đang là chuyện phổ biến ở các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng chiếm 57,1%. Cũng theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương, các DNNVV tiếp cận các nguồn tài chính chính thống qua hệ thống ngân hàng và các nguồn chính thống khác chỉ chiếm 25% còn đến 75% vẫn phải đi huy động bạn bè, vay mượn phi chính thống. Trong các nguồn tài chính của DNNVV, 90% tiếp cận từ ngân hàng và 10% từ các nguồn khác.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vay vốn ngân hàng không phải là chuyện dễ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ các ngân hàng cũng như từ các tổ chức tín dụng khác, các khoản vay có bảo lãnh cũng thường không đến được với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

7-1721729557.jpg
 

Ths. Trần Văn Hiển – Chuyên gia tư vấn độc lập Dự án QMS ISO 9001: 2015 Lead Auditor chia sẻ, nguyên nhân chính của tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn tín dụng là do doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu rất thấp, ít có tài sản thế chấp, cầm cố, không có người bảo lãnh; không lập được phương án sản xuất, kinh doanh có đủ sức thuyết phục. Trình độ quản lý hạn chế, báo cáo tài chính không đủ độ tin cậy đối với người cho vay...

Ông Hiển cũng trình bày về các cơ sở pháp lý liên quan đến bảo lãnh tín dụng. Bên cạnh đó đưa ra các giải pháp như: đơn giản hóa thủ tục, nới rộng phạm vi lĩnh vực đối với các DNNVV tiếp cận nguồn vốn; Nâng cao năng lực đánh giá dự án có khả thi đảm bảo an toàn vốn, giảm thiểu trách nhiệm người chịu trách nhiệm cao của Qũy; Đánh giá, xem xét quy trình hoạt động, thẩm định hồ sơ; Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên; Tăng mức bảo lãnh tín dụng, giảm bớt quy định về điều kiện để được cấp bảo lãnh tín dụng…

Tại Diễn đàn, ông Lưu Việt Linh, Phó giám đốc Ngân hàng OCB – CN TP.HCM, Giám đốc Trung tâm SME Nguyễn Thái Bình đã đưa ra những hướng dẫn giúp doanh nghiệp nắm rõ về những thủ tục, hồ sơ cần thiết, những vấn đề thường gặp và giải pháp để cải thiện khi thực hiện vay vốn tại ngân hàng.

Đại diện Qũy Phát triển DNVVN đã chia sẻ về quy trình tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp tham dự diễn đàn.

6-1721730664.jpg

Ông Phạm Anh Quyết, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Công nghệ xanh JINI Việt Nam cho biết thông qua chương trình này, tôi cũng như các doanh nghiệp khác mong muốn tiếp cận được các nguồn vốn để đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

3-1721730689.jpg
 

Nguyễn Hạnh

Bạn đang đọc bài viết "Diễn đàn Chính sách doanh nghiệp nhỏ và vừa: “Tiếp cận vốn – Khơi thông điểm nghẽn”" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).