Hành trang "chuyển nhà" của gần 540 triệu cổ phiếu VietABank

28/05/2024 16:30

Sau gần 4 năm tại UPCoM, năm 2024, VietABank muốn niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành tại Sở Giao dịch Chứng khoán khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Kế hoạch tăng vốn bỏ ngỏ 10 năm

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) được thành lập vào ngày 04/07/2003 trên cơ sở hợp nhất Công ty tài chính cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng TMCP nông thôn Đà Nẵng. 

Từ khi thành lập đến năm 2010, vị trí Chủ tịch HĐQT VietABank do ông Đỗ Công Chính đảm nhiệm, nắm giữ hơn 555.000 cổ phần tại ngân hàng. Ông Chính là đại diện cho cổ đông lớn của ngân hàng lúc bấy giờ là Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC (sở hữu hơn 11 triệu cổ phần). 

Năm 2011, SJC chính thức thoái toàn bộ vốn khỏi VietABank, CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương của ông Phương Hữu Việt trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 11,62% vốn điều lệ ngân hàng. 

Các cổ đông lớn còn lại gồm CTCP Đầu tư và Phát triển Hòa Bình (9,79%%), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank (8,51%) và Văn phòng Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh (6,76%).

Tháng 8/2011, ông Phương Hữu Việt chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch thay cho ông Đỗ Công Chính. Trong năm này, ngân hàng cũng hoàn thành kế hoạch tăng vốn lên 3.098 tỷ đồng.

Năm 2021, trong một thập kỷ gắn bó, ông Phương Hữu Việt từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT VietABank. Ông Phương Thành Long, cháu trai ông Việt chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2018-2023. 

Tại báo cáo quản trị năm 2023, ông Phương Thành Long không nắm giữ cổ phiếu nào tại VAB, trong khi ông Phương Hữu Việt lại đang sở hữu hơn 24,5 triệu cổ phiếu VAB, tương ứng 4,55% vốn điều lệ của Việt Á Bank. 

Năm 2012, khi vừa đổi chủ, VietABank đề ra tham vọng tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, tức tăng trên 61%. Tuy nhiên, kế hoạch trên liên tục bị trì hoãn và mãi đến cuối năm 2022, VietABank mới thành công tăng vốn điều lệ cán mốc hơn 5.399 tỷ đồng. 

Ở thời điểm hiện tại, quy mô vốn của ngân hàng này vẫn thuộc top ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống, chỉ cao hơn một số ngân hàng khác như BVBank, VietBank, KienlongBank, BaoVietbank, SaigonBank và PGBank.

Năm 2024, VietABank tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.505 tỷ đồng thông qua việc phát hành tối đa hơn 210 triệu cổ phiếu ra công chúng. 

Ngoài ra, trong năm nay VietABank cũng dự kiến niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành tại Sở Giao dịch Chứng khoán khi điều kiện thị trường thuận lợi, đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. VietABank hiện đang có gần 540 triệu cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM kể từ ngày 20/7/2021.

Gần 1.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn

Về kết quả kinh doanh, kể từ khi ông Phương Hữu Việt bắt nắm giữ chức vị Chủ tịch HĐQT VietABank, năm 2012, thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm 18% so với năm trước. Ngân hàng báo lãi sau thuế 164 tỷ đồng, giảm 35%. Tỉ lệ nợ xấu ngân hàng trong năm này là 4,65%.

Từ năm 2013-2018, VietABank quyết liệt triển khai Dự án chiến lược và tái cấu trúc ngân hàng. Năm 2023, tỉ lệ nợ xấu tại ngân hàng được kiểm soát về mức 2,88%.

Những năm sau đó, kết quả kinh doanh của của VietABank liên tục được cải thiện. Lợi nhuận của ngân hàng tăng lên nhanh chóng. Trong vòng 10 năm, lợi nhuận của VietABank leo từ vùng trũng 47 tỷ đồng trong năm 2014 lên 654 tỷ đồng năm 2021.  

Năm 2022, sau khi người đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT VietABank thay đổi, ngân hàng báo lãi sau thuế tăng 36,2% so với cùng kỳ do hoạt động, bán tài sản cấn trừ nợ mang lại hiệu quả, nhờ đó thu lãi thuần khác tăng 43,2% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục tăng cường xử lý nợ xấu nên chi phí dự phòng giảm, tăng hoàn nhập dự phòng góp phần tăng lợi nhuận. 

Năm 2023, VietABank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 1.809,5 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm trước. Do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cả năm tăng cao ở mức 675,3 tỷ đồng, tăng gấp gần 11 lần so với năm 2022 nên VietABank báo lãi trước thuế 928 tỷ đồng, lãi sau thuế tương ứng đạt 758,3 tỷ đồng, đồng loạt giảm hơn 14% so với năm trước.

Kết thúc quý I/2024, VietABank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 539 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Trong kỳ, ngân hàng đã tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm trước lên gần 167 tỷ đồng. Kết quả, VietABank báo lãi trước thuế gần 248 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 203 tỷ đồng, giảm gần 8% so với quý I/2023.

Đáng chú ý, về chất lượng nợ vay, tại thời điểm ngày 31/3/2024, tổng nợ xấu của VietABank là 1.678 tỷ đồng, tăng 52,6% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 35,6% lên mức 779,4 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) đạt 24,1 tỷ đồng, tăng 10,4%. 

Đáng chú ý, hơn 52% nợ xấu của thương hiệu VietABank là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5), chiếm 875 tỷ đồng so với tổng dư nợ. Tổng nợ xấu tăng kéo theo tỉ lệ nợ xấu nội/dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 1,59% hồi đầu năm lên mức 2,35%.

Nhìn lại giai đoạn từ 2020 đến quý I/2024, nợ xấu của VietABank tăng từ mức 957 tỷ đồng lên 1.679 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 của ngân hàng cũng không ngừng tăng từ 456 tỷ đồng trong năm 2020 lên 875 tỷ đồng tại thời điểm quý I/2024.

Năm 2024, VietABank lên kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế 1.058 tỷ đồng, đồng thời kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Như vậy, kết thúc quý I/2024, ngân hàng đã hoàn thành 23,4% chỉ tiêu về lợi nhuận và nợ xấu vẫn được kiểm soát theo kế hoạch.

Bạn đang đọc bài viết "Hành trang "chuyển nhà" của gần 540 triệu cổ phiếu VietABank" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).