UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các đơn vị liên quan về việc xử lý các cơ sở nhà, đất của cơ quan trung ương trên địa bàn Thủ đô. Đây là trụ sở của cơ quan Nhà nước, rộng hàng nghìn m2, bị bỏ hoang, hoặc sử dụng không hiệu quả sau khi Hà Tây sáp nhập với Hà Nội.

Qua rà soát của UBND TP Hà Nội, trên phố Tô Hiệu (quận Hà Đông) có 3 cơ sở nhà, đất bỏ hoang từ nhiều năm nay. Do bỏ hoang nhiều năm, các trụ sở này đều đã xuống cấp.
Cụ thể, cơ sở nhà đất số 30 Tô Hiệu có tổng diện tích 1.300 m2, gồm 1 tòa nhà 3 tầng và 1 dãy nhà 2 tầng. Trụ sở này trước đây do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây sử dụng.
Sau khi tỉnh Hà Tây hợp nhất với TP Hà Nội, từ năm 2008 đến năm 2015, trụ sở tại 30, phố Tô Hiệu chuyển thành kho lưu trữ; từ năm 2016 đến nay đơn vị không sử dụng. Trụ sở này hiện do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quản lý.

Cơ ở nhà đất số 32 Tô Hiệu có diện tích khoảng 2.100 m2, trước đây do Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Hà Tây sử dụng. Trên khu đất có 1 ngôi nhà 3 tầng mặt ngoài và 2 dãy nhà 2 tầng bên trong, khuôn viên đất có tường rào riêng bao quanh, hiện không sử dụng.
Khu đất tại số 55 Tô Hiệu có diện tích khoảng 616 m2, trước đây do Cục thống kê quản lý, sử dụng. Ngày 25/11/2020, Tổng cục Thống kê có quyết định điều chuyển nguyên trạng cơ sở nhà, đất này từ Văn phòng Tổng cục Thống kê về Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng Công nghệ thông tin thống kê quản lý.
Tuy nhiên, Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng Công nghệ thông tin thống kê không sử dụng khu đất 55 Tô Hiệu. Trong khuôn viên có 1 dãy nhà 2 tầng, có tường rào riêng, mặt tiền là các kiot khóa cửa, cơ sở vật chất có dấu hiệu xuống cấp.

UBND TP Hà Nội đề nghị các bộ, ngành trung ương được giao quản lý cơ sở nhà, đất nêu trên khẩn trương kiểm tra, rà soát, đưa ra phương án xử lý các công trình không sử dụng nhiều năm, đã xuống cấp.
Trường hợp các bộ, ngành không có nhu cầu sử dụng các cơ sở nhà đất nêu trên, UBND TP Hà Nội đề nghị chuyển giao về thành phố quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tránh lãng phí.