Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất.
Từ ngày 22/4 đến nay, đã có 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC được NHNN tổ chức. Với 6 phiên đấu thầu thành công, tổng khối lượng vàng miếng SJC đã được các thành viên trúng thầu là 48.500 lượng (485 lô), tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã được các thành viên dự thầu (gồm các công ty kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng) mua vào, từ đó cung ứng ra thị trường.
Việc NHNN tổ chức các phiên đấu thầu vàng nhằm giải pháp tăng nguồn cung để trung hòa nhu cầu thị trường, từ đó “hạ nhiệt” giá vàng. Tuy nhiên đến nay mục tiêu này chưa hoàn thành.
Nhiều ý kiến cho rằng: Muốn giá vàng giảm, giá tham chiếu của các phiên đấu thầu phải được NHNN đưa ra sát với giá vàng thế giới. Tuy nhiên trong 9 phiên đấu thầu vàng vừa qua, giá tham chiếu được NHNN đưa ra thường bằng giá đóng cửa vàng trong nước phiên trước trước, nghĩa là cao hơn giá thế giới rất nhiều nên khó bình ổn được thị trường vàng.
Đề cập tới vấn đề này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng: Giá vàng thế giới tăng, kéo theo giá vàng trong nước cũng tăng, nhưng điều tồn tại từ rất lâu là sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế vẫn rất cách xa. Vì vậy, rất cần có phương thức điều hành linh hoạt để đưa giá vàng trong nước về ngang thế giới.
“Cơ chế đấu thầu của NHNN hiện nay là đấu thầu ngược. Cứ đấu thầu lại làm giá vàng tăng bởi giá sàn được đặt sát giá thị trường. Vì thế, khi trúng thầu, doanh nghiệp kinh doanh vàng phải bán ra với giá cao hơn và đương nhiên giá vàng trong nước cứ đà tăng”, ông Hoàng Văn Cường băn khoăn.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia, để đạt được mục đích trong việc tổ chức đấu thầu giá vàng, NHNN phải từng bước giảm mức giá tham chiếu đấu thầu để tiệm cận với giá vàng thế giới. Thời gian qua, giá vàng tham chiếu trong các phiên đấu thầu còn cao.