Doanh nghiệp nắm Chợ Bến Thành làm ăn ra sao trước biến động lớn tại thượng tầng?

04/02/2025 09:30

Cuối năm ngoái, Bến Thành TSC bất ngờ chứng kiến biến động lớn nơi thượng tầng sau nhiều năm ổn định.

Lợi nhuận đi lùi

Theo báo cáo tài chính quý 4/2024, CTCP Thương mại - Dịch vụ Bến Thành (Bến Thành TSC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 80,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 10,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 21% so với cùng kỳ 2023. Dù vậy, đây lại là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 4 quý trở lại đây của doanh nghiệp này.

Luỹ kế cả năm 2024, Bến Thành TSC ghi nhận doanh thu thuần đạt 276,5 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 5% so với cùng kỳ, xuống còn 46,9 tỷ đồng. Có thể thấy, sau giai đoạn Covid, lợi nhuận của doanh nghiệp này đã hồi phục mạnh trong 2 năm qua tuy nhiên vẫn chưa thể trở lại mức đỉnh cao hồi 2018-2019.

Bến Thành TSC tiền thân là Công ty Thương mại Tổng hợp Bến Thành, được thành lập vào năm 1992. Doanh nghiệp hoạt động chính trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ bất động sản và đầu tư tài chính; trong đó khu vực kinh doanh thương mại ở trung tâm Bến Thành Đông (chợ Bến Thành), Trung tâm Dân Sinh (chợ Dân Sinh)… Cuối năm ngoái, Bến Thành TSC đã chấp thuận chấm dứt hoạt động của chi nhánh ở Trung tâm Bến Thành Tây.

Hiện tại, Bến Thành TSC có vốn điều lệ 135 tỷ đồng trong đó Tổng công ty Bến Thành – Công ty TNHH MTV là cổ đông lớn nhất nắm 41,4% vốn. Doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên HoSE nhưng thanh khoản rất “èo uột”. Thậm chí, cổ phiếu BTT còn nhiều phiên không có giao dịch và hiện đang dừng ở mức 37.850 đồng/cp, vốn hóa tương ứng 510 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2024, Bến Thành TSC có tổng tài sản gần 506 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định chiếm một nửa với số dư cuối kỳ gần 250 tỷ đồng. Tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn tại ngày 31/12/2024 ở mức 110 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng tài sản. Doanh nghiệp không vay nợ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích luỹ được gần 101 tỷ đồng.

Biến động thượng tầng

Cuối năm ngoái, Bến Thành TSC bất ngờ chứng kiến biến động lớn nơi thượng tầng sau nhiều năm ổn định. Theo đó, HĐQT đã miễn nhiệm chức Tổng giám đốc với ông Trần Hữu Hoàng Vũ sau 9 năm tại vị. Theo quyết định, ông Trần Hữu Hoàng Vũ sẽ không còn giữ chức tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật kể từ ngày 1/1/2025.

Ông Vũ có nghĩa vụ bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu, chứng từ, tài sản của công ty cho người kế nhiệm. Người kế nhiệm ông Vũ chính là bà Nguyễn Việt Hòa - Chủ tịch HĐQT của Bến Thành TSC. Bà Hòa sau khi ngồi ghế điều hành Ban tổng giám đốc từ đầu năm mới cũng sẽ chuyển giao chức Chủ tịch HĐQT sang ông Phạm Hoàng Liêm, theo quyết định của mới của HĐQT.

Tại đơn từ nhiệm, ông Vũ cho biết, là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty từ đầu năm 2016 đến nay, trong quá trình này ông đã nỗ lực hết lòng cùng tập thể ban điều hành để hoàn thành và vượt qua các mục tiêu đại hội đồng cổ đông giao. Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng giai đoạn mới cần có một tổng giám đốc mới để đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và đưa công ty có những bước tăng trưởng mạnh hơn, đột phá mới…

Với sự thay đổi lớn nêu trên, cơ cấu HĐQT mới của Bến Thành TSC bao gồm, ông Phạm Hoàng Liêm - chủ tịch, cùng 3 thành viên gồm: doanh nhân Trương Nguyễn Thiên Kim (thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Café Katinat, vợ ông Tô Hải - tổng giám đốc Chứng khoán Vietcap), bà Bùi Thị Thu Thủy, bà Nguyễn Thị Tường Nga. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Bến Thành TSC đã bầu 5 thành viên HĐQT, trong đó có 1 thành viên độc lập và 3 thành viên ban kiểm soát cho nhiệm kỳ 2024-2029.

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp nắm Chợ Bến Thành làm ăn ra sao trước biến động lớn tại thượng tầng?" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).