
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới… Đây là Nghị quyết chuyên đề rất đặc biệt ra đời trong bối cảnh Bộ, ngành Tư pháp chưa bao giờ nhiều công việc nặng nề như hiện nay và cũng chưa bao giờ Bộ, ngành Tư pháp có nhiều cơ hội như hiện nay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, Nghị quyết số 66-NQ/TW quy định nhiều cơ chế đột phá và nêu rõ 5 quan điểm chỉ đạo. Một trong 5 quan điểm đó là bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật. Tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự tham gia rộng rãi, thực chất của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong xây dựng và thi hành pháp luật.
Các quan điểm chỉ đạo khác là, công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới là một nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”, tiếp thu có chọn lọc giá trị tinh hoa của nhân loại, bảo đảm tính hệ thống, nắm bắt mọi cơ hội, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số”, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật. Đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển. Nhà nước bảo đảm và ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số và có chế độ, chính sách đặc thù, vượt trội cho công tác nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật và đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ này.
Dẫn chứng quan điểm thứ 3, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, pháp luật dù hay đến mấy thì cũng phải đo lường được hiệu quả, giải quyết được các vấn đề thực tiễn. Việc đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, theo Bộ trưởng, đây không chỉ là tháo gỡ điểm nghẽn, xoá lợi ích cục bộ mà còn phải đưa thể chế, pháp luật trở thành cơ chế, chính sách vượt trội. Pháp luật khi ban hành phải thành nền tảng vững chắc để đất nước phát triển…