Được biết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khảo sát đời sống công nhân để chuẩn bị đề xuất tăng lương tối thiểu vùng. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
Hàng năm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đều có kế hoạch hành động liên quan đến điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong các bên tham gia Hội đồng, có trách nhiệm đề xuất mức điều chỉnh lương tối thiểu.

Hiện nay, do quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có kế hoạch cụ thể để tiến hành đàm phán về mức lương tối thiểu. Vì vậy, Tổng Liên đoàn đã chủ động đề xuất và dự kiến sẽ chính thức đưa nội dung này vào chương trình làm việc vào đầu tháng 3/2025, khi các cơ quan Nhà nước vận hành ổn định với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ mới.
Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện đề xuất mức điều chỉnh cụ thể dựa trên các số liệu khảo sát thực tế.
Đợt khảo sát vừa qua phản ánh mong muốn của người lao động về mức lương tối thiểu vùng như thế nào?
Chúng tôi đã thực hiện khảo sát sơ bộ về tình hình đời sống, việc làm, tiền lương và thu nhập của người lao động dịp Tết. Tuy nhiên, để đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, cần thực hiện thêm các khảo sát chuyên sâu hơn trong thời gian tới.
Qua khảo sát ban đầu, phần lớn người lao động mong muốn được tăng lương tối thiểu. Bởi lẽ, mỗi lần có Nghị định điều chỉnh lương tối thiểu, mức thu nhập của lao động có thu nhập thấp cũng sẽ được điều chỉnh theo. So với nhu cầu thực tế và mức sống hiện tại, người lao động rất mong mức lương tối thiểu vùng năm 2025 được điều chỉnh tăng để đảm bảo cuộc sống.
Lương tối thiểu vùng đóng vai trò là mức sàn để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Tuy nhiên, quan trọng hơn, cần nâng cao năng lực của công đoàn cơ sở để hỗ trợ người lao động thương lượng mức lương cao hơn mức lương tối thiểu thông qua thỏa ước lao động tập thể.
Hiện nay, với lao động có trình độ cao, có kiến thức pháp luật và kỹ năng tốt, họ có thể thương lượng trực tiếp với người sử dụng lao động để có mức lương phù hợp. Đây là xu hướng của thị trường lao động và cần được mở rộng đến cả nhóm lao động yếu thế. Khi đó, mức lương tối thiểu vùng sẽ trở thành căn cứ thấp nhất để người lao động thương lượng tiền lương.
Theo ông, tăng năng suất lao động sẽ tác động thế nào đến việc tăng lương tối thiểu vùng?
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 của chúng ta đặt ra là trên 8% và hướng tới mức tăng trưởng hai con số trong những năm tới. Điều đó đồng nghĩa với việc năng suất lao động cũng phải tăng, từ đó tạo cơ sở để điều chỉnh lương tối thiểu nhằm khuyến khích người lao động.
Tiền lương là động lực để người lao động cống hiến. Theo tinh thần Nghị quyết về tăng trưởng kinh tế mới được Quốc hội thông qua mới đây, đầu tư vào tiền lương chính là đầu tư cho phát triển, đầu tư vào nguồn nhân lực. Vì vậy, khi tăng lương tối thiểu, thu nhập chung của người lao động cũng sẽ được nâng lên.
Việc tăng lương không chỉ giúp cải thiện đời sống người lao động mà còn tạo động lực thúc đẩy năng suất lao động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Khi kinh tế phát triển, người lao động sẽ được hưởng lợi từ thành quả đó.
Xin trân trọng cảm ơn ông!