Cổ vũ bóng đá

08/01/2025 10:30

Rất cần kiềm chế hành vi quá khích khi xem, cổ vũ bóng đá. Nó là văn hóa, là nơi chứng tỏ hành vi từng cá nhân rõ rệt nhất.

Sự kiện đội tuyển bóng đá nam Việt Nam vô địch AFF Cup 2024 đến hôm nay vẫn còn khiến nhiều người hâm mộ bóng đá nước ta hân hoan. 

Nhìn lại con đường tới cup vô địch thì thấy, đội tuyển Việt Nam xứng đáng được quan tâm đến thế, được yêu mến đến thế, được thán phục đến thế.

Tuy vậy, nhìn lại, giữa ngàn ngạt màu đỏ của làn sóng cổ vũ một cách văn minh, văn hóa, đâu đó, vẫn còn những lợn cợn.

Là hôm đá với đội tuyển Thái Lan ở sân Việt Trì, một cháu gái công khai ủng hộ đội Thái, thế là cháu bị khá đông người vào ném đá, cho rằng cháu không yêu nước, không có lòng tự hào dân tộc, có những comment khá nặng nhắm vào cháu, khiến mẹ cháu phải lên tiếng.

Ơ kìa, bóng đá trước hết là trò chơi, sau mới tính đến tự hào với yêu nước... chứ. Và cháu có quyền bày tỏ tình cảm của mình với những người chơi trò chơi ấy. 

Thế chúng ta nói thế nào với cũng ở trận ấy, một số cổ động viên người Thái nói trước ống kính truyền hình Việt Nam: tôi yêu Việt Nam, Việt Nam vô địch. Thế nhẽ họ cũng sẽ bị người Thái ném đá?

Cổ vũ bóng đá- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chưa hết, còn rất đông người đồng thanh hô những câu rất tục tĩu nhằm vào trọng tài.

Đến trận Việt Nam thắng Thái ngay trên sân Thái để giành chức vô địch.

Tất nhiên là cầu thủ Subachok đã chơi không đẹp khi cố tình đá quả bóng vào khung thành Việt Nam ghi bàn thắng, trong khi thông lệ là trả bóng cho đội bạn. Nhưng anh ta không phạm luật, nên trọng tài sau khi "thương lượng" bất thành đã công nhận bàn thắng.

Và anh ta bị... chửi.

Chửi anh ta chúng ta cũng không lớn lên thêm, và trận thắng của chúng ta cũng không huy hoàng thêm.

Và nếu để ý cái hành động của Madam Pang cuối trận mới khiến chúng ta nể. Madam Pang đã tiến về khu cổ động viên Việt Nam ngồi, vỗ tay và làm nhiều cử chỉ thân thiện. 

Rồi bà bắt tay ông Trần Quốc Tuấn, chủ tịch liên đoàn bóng đá Việt Nam, mà theo tường thuật của báo chí tại chỗ, là bà xin lỗi và chúc mừng chiến thắng xứng đáng của đội Việt Nam.

Bản thân cầu thủ Subachok cũng viết trên trang cá nhân của mình "thanh minh" về hành động được cho là không Fair của mình, rằng anh ta không biết tình huống ấy, không cố tình như thế vân vân, kể cả cho là anh ta chống chế thì việc ấy chứng tỏ anh ấy đã biết việc mình là làm không đẹp, không đẹp chứ không phạm luật. 

Có trách thì trách chính cầu thủ của chúng ta, đã quá chủ quan. Bóng đá chuyên nghiệp không được để điều ấy xảy ra. Và khi đã xảy ra thì chấp nhận. Dễ hiểu, sau một hồi phân bua thì cả huấn luyện viên Kim Sang Sik, đội trưởng Đỗ Duy Mạnh tới toàn đội lại tập trung vào đá, và như là được tiếp thêm năng lượng, chúng ta đã thắng. Thắng ngoạn mục, rất đẹp khiến đối thủ tâm phục khẩu phục.

Thế mà vẫn bị dân mạng ào ạt tấn công.

Rất nhiều người am hiểu bóng đá, am hiểu văn hóa đã lên tiếng trên trang cá nhân của mình, như nhà báo kỳ cựu, nhạc sĩ Nguyễn Lưu viết trên facebook cá nhân: "Ernet Hemingway: "Thể thao dạy cho người ta biết chiến thắng một cách trung thực, biết thua trận một cách cao thượng, tức là dạy ta cách sống".

Chúng ta hãy dừng lại việc xỉ vả, bôi bác họ sau chiến thắng tuyệt vời này. Hãy đọc lại Bình Ngô đại cáo và chia sẻ hình ảnh bà Madam Pang - ngay sau trận đã đi đến khu vực CĐV Việt Nam rồi chắp tay tỏ ý chúc mừng và xin lỗi. Tôi thật sự nể hành động của vị này". 

Và ý kiến này của ông Nguyễn Lưu được nhà sử học Dương Trung Quốc đồng tình: "Đúng như vậy. Bạn hãy nói to hơn nữa điều này vì bạn thực sự là một nhà bình luận thể thao rất lâu năm như mình biết".

Đây là ý kiến của nhà thơ nhà báo Phạm Đương cũng trên Facebook cá nhân: "Suy cho cùng thì bóng đá cũng chỉ là một trò chơi thôi mà. Chơi đẹp hay không thì chỉ liên quan đến một cầu thủ cụ thể và đội bóng, sao lại lôi cả đất nước Thái Lan ra rủa xả, mạ lỵ người ta? Đất nước ô nhục hay vinh quang đâu phải chỉ bằng một bàn thắng không fair play của một cầu thủ!...

Maradona đã chơi bóng bằng tay để loại đội Anh ra khỏi cuộc chơi và thẳng tiến đến cúp vàng năm 1986 mà có ai dùng từ "nhục nhã" cho cậu bé vàng ấy đâu! Maradona vẫn là cầu thủ vĩ đại trong lòng người hâm mộ bóng đá đó thôi".

Một số báo chí cũng vào cuộc khai thác chuyện này, cũng như trước đấy khai thác mâu thuẫn giữa Nguyễn Xuân Son và một cầu thủ đội bạn, trong khi cả 2 đều lên trang cá nhân "nói lại" là mình không nói thế.

Nhưng gì thì gì, vẫn phải công nhận, dân ta yêu bóng đá tới... máu lửa. Và như thế, bóng đá nước nhà không phát triển mới lạ.

Có điều, một số người hâm mộ rất cần... kiềm chế hành vi quá khích khi xem, cổ vũ bóng đá. Nó là văn hóa, là nơi chứng tỏ hành vi từng cá nhân rõ rệt nhất, dẫu có thể núp vào bóng đám đông, kiểu như tất cả đều được bắt nhịp 1, 2, 3 rồi... chửi rất tục trọng tài và thân mẫu của ông ấy, một hành vi không thể chấp nhận được.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Giao thông thời… phạt nặngGiao thông thời… phạt nặng

Bạn đang đọc bài viết "Cổ vũ bóng đá" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).