Gia vị đóng vai trò quan trọng trong ẩm thực Việt Nam, là yếu tố không thể thiếu trong hầu hết các món ăn, từ đơn giản đến cầu kỳ. Đặc biệt, nước chấm là thành phần không thể thiếu, tạo nên hương vị đặc trưng và nâng tầm các món ăn truyền thống.
Với tầm quan trọng này, thị trường nước chấm tại Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, không chỉ giới hạn ở các sản phẩm truyền thống mà còn có sự xuất hiện của nhiều loại nước chấm mới, đa dạng về hương vị, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và quốc tế ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các sản phẩm nước chấm phải không ngừng sáng tạo và đáp ứng linh hoạt trước yêu cầu của thị trường.
Từ phân xưởng nhỏ với biểu tượng con mèo đen
Nổi bật vào tháng 3/2024, nước tương Nam Dương – một sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương – đã gây chú ý khi xuất khẩu thành công vào thị trường Hoa Kỳ. Sự kiện là dấu mốc quan trọng không chỉ với thương hiệu Nam Dương mà còn là niềm tự hào cho ngành gia vị Việt Nam.
Đây là doanh nghiệp được điều hành bởi ông Hồ Điệp Anh Khôi - Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của công ty.
Nam Dương, với hơn 70 năm hình thành và phát triển, đã trở thành một trong những biểu tượng quen thuộc trong ngành gia vị Việt Nam. Xưởng nước tương Nam Dương được thành lập vào năm 1951, với tên gọi Nam Dương xì dầu thực phẩm xưởng, sản phẩm Tàu vị yểu Con Mèo Đen – khởi đầu cho hành trình phát triển của một thương hiệu nước tương lâu đời tại Việt Nam.
Thời điểm đó, thị trường có một nhãn hiệu nước tương nổi tiếng là Chuột Mickey thì Tàu vị yểu Con Mèo Đen ra đời cạnh tranh trên thị trường. Trong một thời gian ngắn, thương hiệu mang biểu tượng Con Mèo Đen từng bước tiếp thị, chào bán và dần dần chiếm lĩnh cả miền Nam rồi đến miền Trung,...
Đến năm 1962, Mèo Đen – Nam Dương đã đặt chân đến thị trường nước ngoài, chính thức mở phân xưởng đầu tiên tại Phnôm Pênh. Sản phẩm tiêu thụ ở khắp 16 tỉnh của Campuchia. Năm 1970, nước tương Con Mèo đen đã đạt được một số thành tựu đáng kể với số lượng nhân viên lên tới 400 người.
Sang năm 1981, trong giai đoạn đất nước đổi mới, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op) tiếp quản và điều hành công ty với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tháng 10/2015, khi Saigon Co.op và Tập đoàn Wilmar (Singapore) cùng ký kết hợp tác, Xưởng sản xuất Tàu vị yểu Con Mèo Đen xưa một bước chuyển mình thành Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương (NDFC), với tỉ lệ cổ phần Wilmar và Saigon Co.op lần lượt là 51% và 49%. Điều này đánh dấu một giai đoạn mới trong sự phát triển của Nam Dương, khi công ty tập trung vào mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Năm 2017, nhà máy NDFC mới được ra mắt và đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư lên đến 25,6 triệu USD. Nhà máy hoạt động vào tháng 12/2017, công suất 50.000 tấn một năm.
Theo giới thiệu trên website, Nam Dương hiện đang sở hữu các thương hiệu chủ lực là nước tương, tương ớt, hạt nêm, tương sốt và mayonnaise,...
Hiện tại, Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương có trụ sở tại Lô C20a-3, đường số 14, Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh. Ngành nghề chính của công ty bao gồm sản xuất thực phẩm, bán buôn tổng hợp và dịch vụ kho bãi, lưu giữ hàng hóa.
Mới đây, công ty này đang phải đối diện với sự chú ý của dư luận liên quan đến sản phẩm bột ngọt Meizan do có nghi vấn về tính minh bạch trong ghi nhãn và nguồn gốc xuất xứ của bột ngọt Meizan.
Trước những thông tin này, Công ty Nam Dương đã nhanh chóng phản hồi và nhấn mạnh chưa ghi nhận bất kỳ thông tin hoặc quyết định thu hồi sản phẩm từ bất kỳ hệ thống siêu thị nào với sản phẩm Bột ngọt Meizan. Đồng thời, công ty khẳng định rằng tất cả hàng hóa của Nam Dương, bao gồm sản phẩm Bột ngọt Meizan, đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng với đầy đủ hồ sơ, chứng từ hợp lệ, minh bạch phù hợp với các quy định của pháp luật.
Tiềm lực của Saigon Co.op
Đáng chú ý, Nam Dương là một đơn vị thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op). Saigon Co.op có tiền thân là Ban Quản lý Hợp tác xã Mua bán Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến năm 1989, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trương chuyển đổi thành Liên hiệp Hợp tác xã Mua bán Thành phố Hồ Chí Minh – một tổ chức kinh tế hợp tác xã theo nguyên tắc sở hữu tập thể, hoạt động sản xuất kinh doanh tự chủ và tự chịu trách nhiệm.
Năm 1998, đơn vị chính thức đổi tên thành Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua 35 năm, Saigon Co.op đã phát triển từ một hợp tác xã nhỏ trở thành nhà bán lẻ sở hữu mạng lưới hơn 800 điểm bán trên cả nước. Hệ thống của Saigon Co.op bao gồm các chuỗi siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Co.opSmile cùng nhiều mô hình bán lẻ hiện đại khác như Cheers 24h, SC Vivo City, Sense City và Sense Market. Hiện tại, nhà bán lẻ Việt Nam này phục vụ hơn 1 triệu lượt khách mỗi ngày và có hơn 4 triệu khách hàng thành viên thân thiết.
Không chỉ dừng lại ở việc mở rộng mạng lưới bán lẻ, Saigon Co.op còn đặc biệt chú trọng vào thúc đẩy sự phát triển của hàng hóa Việt Nam.
Năm 2023, doanh thu của Saigon Co.op đạt gần 30.000 tỷ đồng; trong đó, doanh số bán hàng trực tuyến đạt gần 1.702 tỷ, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ. Đồng thời, Saigon Co.op ra mắt thêm mô hình kinh doanh mới là Co.opmart Chợ Mới (An Giang) và trung tâm thương mại SenseMarket – Co.opmart Cái Bè (Tiền Giang).
Bước sang năm 2024, Saigon Co.op đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số từ 6-7% so với cùng kỳ, với kế hoạch mở rộng mạng lưới bán lẻ lên 900 điểm bán vào cuối năm.